Tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2022, tiếp tục duy trì được đà phục hồi, phát triển, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều tăng so với cùng kỳ như: Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định và tăng trưởng, thị trường tiêu thụ sản phẩm được khơi thông, mở rộng; chỉ số sản xuất công nghiệp quý III tăng 92,82% và 9 tháng tăng 30,86% so với cùng kỳ; hoạt động thương mại và dịch vụ từng bước trở nên sôi động trở lại, phục vụ nhu cầu vui chơi, mua sắm của người dân, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III tăng 98,20%, 9 tháng tăng 43,53% so với cùng kỳ; chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý III tăng 1,67%, bình quân 9 tháng tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 57,77% so với dự toán HĐND thành phố giao…
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Dịch bệnh Covid-19 còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp và các dịch bệnh mới xuất hiện trở lại, tác động tiêu cực của cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia lớn, nhất là xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine, rủi ro lạm phát gia tăng, giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, không như kỳ vọng. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước chưa có tiến triển mới, mặc dù có nhiều nhà đầu tư quan tâm …, đã tác động đến quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.
Trước tình hình đó, thành phố quyết tâm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, thích ứng với tình hình mới trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng theo quy định, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế. Kết quả thực hiện một số lĩnh vực kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 như sau:
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Tài chính, ngân hàng
a) Thu, chi ngân sách
Thu ngân sách nhà nước: Tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế thực hiện đến ngày 20/9/2022 đạt 9.740,07 tỷ đồng, bằng 57,77% dự toán HĐND thành phố giao, giảm 2,88% so với cùng kỳ. Cụ thể một số khoản thu chính như sau:
Thu nội địa đạt 8.001,48 tỷ đồng, bằng 75,36% so với dự toán HĐND thành phố giao, chiếm 82,15% tổng thu và tăng 16,94% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 1.026,17 tỷ đồng, đạt 79,49% dự toán, tăng 14,11% so với cùng kỳ; thu từ khu vực ngoài nhà nước đạt 1.608,62 tỷ đồng, đạt 77,34% dự toán, tăng 17,97% so với cùng kỳ; thu từ khu vực đầu tư nước ngoài đạt 664,76 tỷ đồng, đạt 64,23% dự toán, giảm 18,91% so với cùng kỳ.
Thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 224,69 tỷ đồng, bằng 44,94% so với dự toán HĐND thành phố giao, chiếm 2,31% tổng thu và giảm 51,79% so với cùng kỳ.
Chi ngân sách địa phương: Tổng chi ngân sách địa phương lũy kế thực hiện đến ngày 20/9/2022 đạt 9.142,27 tỷ đồng, bằng 52,76% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 33,45% so với cùng kỳ. Trong đó:
Chi đầu tư phát triển đạt 4.752,93 tỷ đồng, đạt 45,88% dự toán, chiếm 51,99% tổng chi ngân sách địa phương và tăng 60,62% so với cùng kỳ.
Chi thường xuyên đạt 4.332,70 tỷ đồng, bằng 66,83% dự toán, chiếm 47,39% tổng chi ngân sách địa phương và tăng 15,63% so với cùng kỳ. Trong đó, chi cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề đạt 1.545,67 tỷ đồng, bằng 62,91% so với dự toán và tăng 5,57% so với cùng kỳ; chi cho sự nghiệp y tế đạt 267,82 tỷ đồng, bằng 72,02% so với dự toán và tăng 1,69% so với cùng kỳ.
b) Tín dụng ngân hàng
Các tổ chức tín dụng đã chấp hành tốt các quy định về tín dụng, lãi suất, tỷ giá, ngoại hối, bảo đảm hoạt động ngân hàng tiếp tục ổn định và an toàn. Việc xử lý nợ xấu, cơ cấu lại tổ chức và hoạt động, việc tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đã giúp các ngân hàng trên địa bàn giải quyết khá tốt vấn đề nợ xấu, chất lượng tài sản được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ở mức thấp, chiếm 1,52% trên tổng dư nợ cho vay, giảm nhẹ so với đầu năm
Đến cuối tháng 9/2022, nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay đều tăng khá cao so với đầu năm, hiệu quả dòng vốn tín dụng đã được nâng cao. Nguồn vốn huy động tăng 11,22%, dư nợ cho vay tăng 14,25%, đều tăng cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2021, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19.
Vốn huy động: Đến cuối tháng 9/2022, vốn huy động ước đạt 103.400 tỷ đồng, tăng 11,22% so với đầu năm, trong đó vốn huy động VNĐ là 100.100 tỷ đồng, chiếm 96,81%, tăng 10,03%; ngoại tệ là 3.300 tỷ đồng, chiếm 3,19%, tăng 65,83% so với đầu năm.
Tổng dư nợ cho vay: Đến cuối tháng 9/2022, tổng dư nợ cho vay ước đạt 137.800 tỷ đồng, tăng 14,25% so với đầu năm. Theo loại tiền dư nợ cho vay VNĐ 129.700 tỷ đồng, chiếm 94,12%, tăng 13,92% so với đầu năm, dư nợ cho vay ngoại tệ 8.100 tỷ đồng, chiếm 5,88% tổng dư nợ cho vay, tăng 19,70% so với đầu năm. Nợ xấu là 2.100 tỷ đồng, chiếm 1,52% tổng dư nợ cho vay.
Lãi suất huy động (VNĐ): Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng tại các ngân hàng phổ biến ở mức 0,1% - 0,2%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 3,5% - 4,0%/năm; lãi suất tiền gửi từ 6 đến 12 tháng phổ biến 4,5% - 5,8%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến mức 5,8% - 6,8%/năm tùy theo từng loại kỳ hạn.
Lãi suất cho vay (VNĐ): Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến đối với ngắn hạn từ 5,5% - 7,8%/năm; trung, dài hạn từ 7,8% - 9,6%/năm.
Lãi suất (USD): Lãi suất huy động thực hiện theo quy định là 0%/năm; lãi suất cho vay phổ biến ngắn hạn 3,0% - 4,5%/năm, trung dài hạn 4,5% - 6,0%/năm.
2. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Giá một số mặt hàng thiết yếu đã có dấu hiệu giảm, thời gian gần đây, giá xăng liên tục giảm đã giúp cho các đơn vị doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng hóa bắt đầu giảm giá bán, do đó nhiều người tiêu dùng tỏ ra phấn khởi khi giảm bớt chi tiêu. Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hàng giá vẫn đang ở mức cao thậm chí là đang có xu hướng tăng. Qua khảo sát, sau những đợt tăng giá liên tiếp do các chi phí đầu vào tăng nên giá cả hàng hóa đã xác lập mặt bằng giá mới đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở không như kỳ vọng. Mức độ tiêu dùng, sử dụng dịch vụ hiện nay tuy có tăng so với cao điểm dịch Covid-19 nhưng nhìn chung nhu cầu tiêu dùng vẫn thấp do giá cả hàng hóa hiện nay liên tục tăng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022, giảm 0,23% so với tháng trước; tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước; tăng 1,79% so với tháng 12 năm trước; chỉ số giá bình quân 9 tháng tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có các nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, gồm: Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; giáo dục tăng 1,61%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%. Trong tháng, các nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số giá giảm, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,03%; may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,15%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,14%; giao thông giảm 2,71%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,07%. Nhóm Thuốc và dịch vụ y tế và nhóm Bưu chính viễn thông có chỉ số giá không đổi so với tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng quý III/2022, tăng 0,44% so với quý trước, tăng 1,67% so với quý cùng kỳ năm trước và tăng 8,36% so với kỳ gốc 2019.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số giá quý III/2022 tăng so với quý trước, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,02%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,76%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,10%; giáo dục tăng 3,01%; văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,18%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,59%. Các nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số giá quý III/2022 giảm so với quý trước, gồm: Đồ uống và thuốc lá giảm 0,38%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,34%; thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,01%; giao thông giảm 5,61%; bưu chính viễn thông giảm 0,31%.
Các nguyên nhân tác động đến chỉ số giá CPI tháng 9 năm 2022
Giá cả các mặt hàng nhóm lương thực thực phẩm như: Gạo, bột mì, ngũ cốc, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, v.v… Đều đã hạ nhiệt do nguồn cung dồi dào và các chương trình khuyến mãi giảm giá được triển khai nhằm thu hút nhu cầu tiêu dùng trong dịp Lễ 2/9. Đồng thời giá xăng dầu liên tục điều chỉnh giảm cũng khiến giá các mặt hàng thiết yếu có xu hướng giảm theo mặc dù mặt bằng giá vẫn còn cao so với những tháng trước.
Giá các mặt hàng trong nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép cũng có xu hướng giảm do nhiều cửa hàng, siêu thị tung ra các chương trình sale giảm giá trong dịp Lễ Quốc khánh để kích thích nhu cầu mua sắm.
Từ ngày 01/9, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng tiếp tục điều chỉnh 7.000 đồng, xuống 423.500 đồng, người dùng sẽ tiết kiệm được 583 đồng cho mỗi kg gas so với tháng trước. Đây là tháng thứ năm liên tiếp giá nhiên liệu này điều chỉnh giảm. Nguyên nhân, giá gas tháng 9 giảm là do nhà cung cấp thế giới công bố giá nhiên liệu bình quân đạt 640 USD một tấn, giảm 25 USD so với tháng trước do thời tiết nóng lên vào mùa hè khiến nhu cầu nhiên liệu, khí đốt nhiều khu vực trên thế giới giảm xuống, giúp giá gas thế giới hạ nhiệt. Hiện giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ.
Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm tại 3 kỳ trong tháng do giá xăng dầu thế giới xuống thấp khi dữ liệu từ hai nền kinh tế lớn trên thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều có dấu hiệu suy yếu. Giá xăng thành phẩm ở thị trường Singapore đang thấp hơn giá bán lẻ xăng trong nước, nên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước phải điều chỉnh giảm theo giá nhập khẩu thế giới.
Năm học mới đã bắt đầu, giá các mặt hàng như đồ dùng học tập, sách giáo khoa đang có xu hướng tăng do nguyên liệu, chi phí sản xuất liên tục tăng. Về mức học phí các cấp học tại các trường tư thục được điều chỉnh tăng do chi phí đào tạo tăng.
Các nguyên nhân tác động đến chỉ số giá CPI quý III năm 2022
Hầu hết các nhóm hàng trong quý đều có chỉ số tăng hơn so với quý trước do ảnh hưởng giá cả nguồn nguyên liệu và chi phí sản xuất, phí nhân công đều tăng. Đặc biệt là ngành chế biến thực phẩm thiết yếu gặp nhiều khó khăn cả đầu vào lẫn đầu ra khi nhiều nguyên liệu đầu vào chưa giảm theo xăng.
Giá các mặt hàng lương thực trong quý tăng ở các nhóm hàng: Gạo tăng 0,45%; nhóm hàng lương thực chế biến tăng 2,09% gồm các mặt hàng bánh mì, bún, phở, bánh đa, miến, mì ăn liền, cháo ăn liền, các loại ngũ cốc khác và bột ngô, v.v… đều tăng mạnh trong tháng 7, 8 do chi phí nguồn nguyên liệu nhập hàng, chi phí sản xuất đều tăng. Đồng thời, trong quý là thời điểm tập trung sản xuất bánh Trung thu nên nhu cầu tiêu dùng tăng cao cộng thêm giá xăng tăng mạnh trong quý trước khiến giá hàng hoá leo thang theo giá xăng dầu. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu điều chỉnh giảm từ tháng 7 nhưng giá những mặt này vẫn chưa hạ nhiệt do cần có thời gian để điều chỉnh, những yếu tố này đã tác động khiến chỉ số giá quý này tăng hơn quý trước.
Tháng 9, bước vào năm học mới nên chỉ số giá nhóm giáo dục tăng so với quý trước do tác động tăng giá của các mặt hàng đồ dùng học tập và mức học phí được các trường ngoài công lập điều chỉnh tăng giá do nhu cầu đào tạo tăng.
Kể từ tháng 7 đến tháng 9, giá gas liên tục giảm tương đương mức giảm là 32.000đ/bình 12 kg và tính từ tháng 5 đến tháng 9 giá gas giảm tổng cộng 92.500 đ/bình 12 kg, giúp giá gas có chuỗi hạ nhiệt dài kể từ đầu năm 2022. Giá gas giảm do ảnh hưởng giá khí đốt thế giới, cụ thể giá khí đốt tự nhiên giảm mạnh do các mô hình dự báo thời tiết cho thấy mức hạ nhiệt đáng kể trong thời gian tới và tình trạng ngừng hoạt động liên tục tại một cảng xuất khẩu LNG quan trọng khiến số dư được cải thiện. Và phần lớn sản lượng gas trong nước phụ thuộc nguồn nhập khẩu nên giá gas bị chi phối bởi biến động của giá gas thế giới (giá CP). Giá CP tháng 9/2022 được công bố giảm 25 USD/tấn so với giá CP tháng 8/2022, bởi các nước trên thế giới đang trải qua mùa hè nắng nóng nên nhu cầu tiêu thụ chất đốt giảm xuống, giúp giá gas thế giới hạ nhiệt kéo theo đó giá gas trong nước cũng giảm cùng xu hướng giá thế giới.
Giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm trong quý, do giá dầu thô thế giới hạ nhiệt sẽ giúp các sản phẩm sau lọc dầu, cụ thể là xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore đứng trước cơ hội giảm giá, giá dầu giảm mạnh do nhiều nguyên nhân, trong đó có lo ngại các biện pháp kiểm soát Covid-19 khắt khe ở Trung Quốc sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu cũng như lo ngại về triển vọng tăng lãi suất trên toàn cầu. Đồng thời, giá xăng dầu giảm do giá đồng USD tăng, ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát cùng với tình trạng dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn căng thẳng làm kỳ vọng nhu cầu giảm; trong khi đó, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng. Yếu tố này góp phần kéo giá xăng dầu trong nước tiếp tục giảm. Giá xăng trong nước có kỳ giảm lần thứ 8, so với cuối tháng 6, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn khoảng 10.290 đồng; E5 RON A92 rẻ hơn 9.520 đồng; dầu diesel giảm hơn 7.480 đồng.
Chỉ số giá vàng giảm 2,26% so với tháng trước, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm trước, giảm 0,92% so với tháng 12 năm trước. Chỉ số giá vàng quý III/2022 giảm 4,82% so với quý trước, tăng 1,84% so với quý cùng kỳ năm trước. Giá vàng giảm do lãi suất tăng khiến kim loại quý thế giới giảm mạnh, đồng thời đồng USD tiếp tục duy trì ở mức cao, khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể, vì vậy giá vàng trong nước điều chỉnh giảm cùng chiều. Giá vàng nhẫn sjc ngày 21/9/2022 dao động quanh mức 5.110.000 đồng/chỉ.
Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,57% so với tháng trước, tăng 3,43% so với cùng kỳ năm trước, tăng 3,03% so với tháng 12 năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ quý III/2022 tăng 1,62% so với quý trước, tăng 2,39% so với quý cùng kỳ năm trước. Giá đô la Mỹ tăng trong bối cảnh khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và lợi suất trái phiếu tăng. Giá đô la Mỹ ngày 21/9/2022 dao động quanh mức 23.830 đồng/USD.
3. Đầu tư và xây dựng
a) Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành từ đầu năm đến nay ổn định, không có nhiều biến động. Hầu hết các công trình dự án đang được chủ đầu tư và đơn vị thi công tập trung thực hiện để đảm bảo tiến độ như kế hoạch đề ra. Nhiều công trình dự án, thuộc nguồn vốn tư nhân như xây dựng văn phòng cho thuê, một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp bổ sung nguồn vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý III/2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 7.970,66 tỷ đồng, giảm 7,91% so với quý II và tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn nhà nước đạt 1.968,34 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ, vốn ngoài nhà nước đạt 5.539,27 tỷ đồng, tăng 2,6 lần; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 463,05 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ.
Ước tính 9 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 21.944,45 tỷ đồng, tăng 30,16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn nhà nước đạt 4.195,78 tỷ đồng, tăng 41,71%, vốn ngoài nhà nước đạt 16.528,74 tỷ đồng, tăng 29,87%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.219,93 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ.
Vốn ngân sách nhà nước: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước 9 tháng đầu năm đạt thấp so với kế hoạch năm. Một số công trình chuyển tiếp từ năm trước khởi công muộn hoặc được dời thời gian khởi công sang năm 2023, việc triển khai công tác xây dựng, khởi công công trình mới còn chậm, nguyên nhân là do: Công tác thực hiện các thủ tục ban đầu phục vụ triển khai thi công còn chậm; năng lực chủ đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu đề ra; đơn vị thi công thiếu năng lực (tài chính và chuyên môn); việc giải phóng phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn khá chậm, điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án; giá cả nguyên liệu vật liệu xây dựng liên tục biến động, điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch sản xuất kinh doanh các nhà đầu tư, nhà thầu thi công.
Vốn nhà nước do Trung ương quản lý gồm dự án nâng cấp, kiểm soát, cải tạo nguồn nước, thủy lợi thông luồng trên các hệ thống kênh rạch chính trên địa bàn thành phố giúp cho tàu bè lớn dễ dàng lưu thông; dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2022 với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA do Nhật Bản tài trợ; ngoài ra còn nguồn vốn của các doanh nghiệp nhà nước đóng trên địa bàn thành phố đầu tư mua sắm tài sản cố định và xây dựng lắp đặt nhà xưởng để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Vốn ngoài nhà nước: Doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng trên địa bàn đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm tài sản cố định, bổ sung vào nguồn vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh; cụ thể, Công ty Cổ phần cám gạo Tip Top Việt Nam, dự kiến sẽ bổ sung vào nguồn vốn lưu động trên 169 tỷ đồng để phục vụ việc sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm; vốn đầu tư khu vực hộ dân cư chủ yếu là đầu tư xây dựng, sửa chữa lại nhà ở, một số đầu tư cải tạo, trồng mới vườn cây ăn trái hoặc thuê đất trồng lúa; vốn từ những dự án do liên doanh giữa những tổng công ty, tập đoàn trong nước được cấp phép đầu tư, xây dựng trên địa bàn thành phố và vốn từ các dự án xây dựng nhà máy, trụ sở làm việc, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố.
Một số công trình, dự án thuộc nguồn vốn tư nhân đang triển khai thực hiện trên địa bàn: Dự án xây dựng nhà máy chế biến Collagen do Công ty TNHH Amicogen Nam Việt làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư trên 88 tỷ đồng, dự án dự tính sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2022; dự án mở rộng nhà xưởng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh do Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu lương thực Ngọc Lợi làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư trên 84 tỷ đồng, dự án đã khởi công xây dựng vào quý 2/2022, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm; dự án mở rộng nhà xưởng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh do Công ty TNHHH TKG Tae Kwang Cần Thơ làm chủ đầu tư, lũy kế từ đầu năm đến nay, ước vốn đầu tư thực hiện của dự án được trên 300 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn FDI của đơn vị.
Tình hình thực hiện một số dự án trên địa bàn Thành phố
Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3), Dự án có tổng mức đầu tư hơn 9.167 tỷ đồng (đã điều chỉnh), được thực hiện bằng nguồn vốn ODA, do Ban quản lý ODA thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2022 được giao 1.032,65 tỷ đồng. Từ khi khởi công đến nay, có 3 gói thầu cơ bản đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng như xây dựng cầu Quang Trung đơn nguyên 2, xây dựng đường Trần Hoàng Na (đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ tới cầu Trần Hoàng Na) và xây dựng cống ngăn triều trên đường nối Cách mạng Tháng 8). Hiện nay, chủ đầu tư và nhà thầu đang tiến hành thi công các gói thầu còn lại của dự án, cụ thể: Cầu Trần Hoàng Na tiến độ đạt khoảng 70%; đường Hoàng Quốc Việt tiến độ đạt 30,9%; công trình cải tạo rạch Cái Sơn - Mương Khai tiến độ đạt 81,8%, gói thầu CT3-PW-1.16 (đoạn Km1+883-Km4+197) tiến độ đạt 74,24%; công trình thi công hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư An Bình giai đoạn 1 (khoảng 28,3 ha) tiến độ đạt 35,2%.
Dự án đường Vành đai phía tây nối liền quốc lộ 91 và quốc lộ 61C, dự án do Sở Giao thông vận tải thành phố làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 3.837,7 tỷ đồng, đây là dựa án thuộc nhóm A loại dự án công trình đô thị. Kế hoạch vốn năm 2022 được giao 1.250,63 tỷ đồng. Dự án có chiều dài toàn tuyến trên 19 km, trong đó điểm đầu giao với quốc lộ 91 và đường tỉnh 922, điểm cuối giao với quốc lộ 61C, trên tuyến có 49 cây cầu. Hiện nay, dự án đang tiến hành rà soát danh sách các hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án đi qua và triển khai các phương án đền bù, giải phóng mặt bằng trên địa bàn các quận/huyện có dự án đi qua. Do vướng mắc về thủ tục ban đầu, nên dự án không thể triển khai trong năm 2022, thời gian dự kiến khởi công vào tháng 4/2023.
Dự án xây dựng cầu Tây Đô, dự án có tổng mức đầu tư là 208 tỷ đồng, do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, kế hoạch vốn năm 2022 được giao là 30 tỷ đồng, dự án có chiều dài trên 140 m, gồm 2 nguyên đơn, 4 làn xe. Sau thời gian tập trung thi công, đến nay công trình đã hoàn thành khoảng 50% khối lượng công việc, công trình dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.
Dự án Bệnh viện Ung Bướu thành phố Cần Thơ, dự án có tổng mức đầu tư là 1.727,9 tỷ đồng được thực hiện bằng nguồn vốn ODA do Sở Y tế thành phố làm chủ đầu tư, kế hoạch vốn năm 2022 được giao là 1.072,61 tỷ đồng. Hiện tại, dự án vẫn còn đang tạm dừng thi công để thống nhất lại một số điều khoản trong hợp đồng giữa đơn vị tài trợ và chủ đầu tư, đây là một trong những dự án chậm tiến độ của thành phố, UBND thành phố đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án kéo dài đến ngày 11/7/2025.
Công tác giải ngân: Tính đến ngày 14/9/2022, tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn khá thấp, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn đối ứng thực hiện từ đơn vị thi công, đã giải ngân 2.630,46 tỷ đồng đạt 31% kế hoạch năm, trong đó ngân sách địa phương 2.447,54 tỷ đồng đạt 33,3%.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Trong tháng, thành phố cấp mới 01 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 12,821 triệu USD. Lũy kế 9 tháng năm 2022, cấp mới 02 dự án FDI, vốn đăng ký 14,08 triệu USD; chấm dứt hoạt động 03 dự án với tổng vốn đăng ký 0,81 triệu USD. Hiện có 84 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.067,71 triệu USD, vốn thực hiện chiếm hơn 27% tổng vốn đăng ký.
b) Hoạt động xây dựng
Hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố có phần sôi động hơn so với cùng kỳ, nhiều đơn vị thi công và chủ đầu tư tranh thủ thời cơ sau khi mọi quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây, một số công trình mới có vốn đầu tư lớn đã được khởi công, nhiều dự án xây dựng trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào sử dụng; nhiều công trình xây dựng đường giao thông nông thôn ở các huyện và công trình nâng cấp hẻm, đường nội ô ở các quận đã và đang hoàn thành.
Giá trị sản xuất ngành xây dựng quý III/2022 (theo giá hiện hành) ước đạt 4.933,67 tỷ đồng, tăng 82,85% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 73,56 tỷ đồng, khu vực loại hình khác đạt 2.776,41 tỷ đồng, tăng 4,3 lần so với cùng kỳ.
Giá trị sản xuất ngành xây dựng quý III/2022 (theo giá so sánh) ước đạt 2.910,61 tỷ đồng, tăng 64,74% so với cùng kỳ. Trong đó, công trình nhà ở đạt 1.622,89 tỷ đồng, tăng 55,25%; công trình nhà không để ở đạt 717,03 tỷ đồng, tăng 96,78%; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 482,27 tỷ đồng, tăng 62,90%, hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 88,42 tỷ đồng, tăng 44,81% so với cùng kỳ.
Ước 9 tháng/2022, giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá hiện hành) đạt 13.289,45 tỷ đồng, tăng 23,69% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 5.201,47 tỷ đồng, tăng 3,23% so với cùng kỳ, khu vực loại hình khác đạt 7.934,04 tỷ đồng, tăng 39,40%. Ước thực hiện giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá so sánh) đạt 8.058,62 tỷ đồng, tăng 11,43% so với cùng kỳ. Trong đó, công trình nhà ở đạt 4.906,87 tỷ đồng, tăng 9,76% so với cùng kỳ, công trình nhà không để ở đạt 1.626,02 tỷ đồng, tăng 22,50%, công trình kỹ thuật dân dụng đạt 1.281,36 tỷ đồng, tăng 2,42%, hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 244,38 tỷ đồng, tăng 33,33% so với cùng kỳ.
4. Tình hình hoạt động doanh nghiệp
a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong tháng 9, cấp mới đăng ký kinh doanh cho 75 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 335,588 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng/2022 cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.344 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 17.467,681 tỷ đồng, đạt 96% KH về số lượng doanh nghiệp và tăng 9,17% KH về vốn đăng ký. So cùng kỳ năm 2021, số doanh nghiệp tăng 44,36% và số vốn tăng 33,96%; so với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp tăng 21,51% và số vốn tăng hơn 2 lần.
Lũy kế tính đến ngày 31/8/2022, tình hình doanh nghiệp biến động giải thể, bỏ địa điểm kinh doanh, tạm ngưng với tổng số 1.821 doanh nghiệp, trong đó 1.261 doanh nghiệp giải thể, bỏ địa chỉ kinh doanh, v.v… và có 605 doanh nghiệp ngừng có thời hạn.
b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2022 so với quý trước cho thấy: Có 45,54% số doanh nghiệp đánh giá tốt lên và 33,66% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; 20,8% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh không thay đổi. Dự kiến quý IV/2022 so với quý hiện tại, có 45,54% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 22,77% số doanh nghiệp đánh giá tình hình vẫn còn khó khăn và 31,68% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh vẫn không thay đổi.
Về khối lượng sản xuất, có 44,55% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý III/2022 tăng so với quý trước; 32,67% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm. Xu hướng quý IV/2022 so với quý III/2022, có 46,53% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 19,8% số doanh nghiệp dự báo giảm.
Về đơn đặt hàng mới, có 41% số doanh nghiệp đánh giá doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng mới quý III/2022 tăng so với quý trước; 32% số doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng mới giảm. Xu hướng quý IV/2022 so với quý III/2022, có 47% số doanh nghiệp dự báo đơn đặt hàng mới sẽ tăng; 20% số doanh nghiệp dự báo giảm.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý III/2022 so với quý trước, có 35,56% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu cao hơn; 28,89% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu giảm. Xu hướng quý IV/2022 so với quý III/2022, có 44,68% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 19,15% số doanh nghiệp dự kiến giảm.
Qua kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2022 cho thấy một số doanh nghiệp có phần cẩn trọng hơn về thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và ngoài nước trong thời gian tới, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp đang kỳ vọng vào thị trường trong những tháng cuối năm.
5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng và chăn nuôi đạt khá. Ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ, nông nghiệp ở trình độ cao, đưa công nghệ sạch vào sản xuất, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, quy hoạch xây dựng vùng sản xuất giống cho các sản phẩm chủ lực của thành phố gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo thành chuỗi giá trị khép kín.
a) Nông nghiệp
Cây lúa: Tổng diện tích gieo trồng lúa đạt 216.384 ha, giảm 2,69% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích lúa vụ đông xuân giảm 1.148 ha, vụ hè thu giảm 1.688 ha, vụ thu đông giảm 3.156 ha. Năng suất lúa cả năm 2022 ước đạt 63,16 tạ/ha, giảm 0,70% so với cùng kỳ, sản lượng lúa ước đạt 1.366.594 tấn, giảm 3,37% so với cùng kỳ năm trước.
Cây hàng năm khác: Lũy kế 9 tháng/2022, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm khoảng 12.519 ha, cao hơn 332 ha so với cùng kỳ. Trong đó, rau đậu các loại gieo trồng được 11.579 ha, tăng 3,03% so với cùng kỳ; cây ngô (bắp) gieo trồng được 940 ha, thấp hơn 9 ha so với cùng kỳ, đã thu hoạch được 685 ha, ước sản lượng đạt 4.039 tấn.
Cây lâu năm: 9 tháng/2022, tình hình sản xuất cây ăn trái trên địa bàn thành phố Cần Thơ đang phát triển theo hướng quy hoạch vùng chuyên canh, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, tạo mối liên kết tập trung quy mô phù hợp gắn với mã vùng trồng, nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu trái cây Cần Thơ. Đồng thời, thúc đẩy, tăng tính cạnh tranh sản phẩm trái cây trên thị trường, từng bước khai thác lợi thế tiêu thụ nội địa, chế biến xuất khẩu và phát triển du lịch sinh thái. Tổng diện tích cây ăn trái ước đạt 24.015 ha, chiếm 94% trong tổng diện tích cây lâu năm, tăng 3,51% so với cùng kỳ năm 2021.
Diện tích cây ăn trái ngày càng mở rộng, hình thành một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh với diện tích 10.392 ha, sản lượng trên 100 ngàn tấn như nhãn, mận, vú sữa,… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm gắn kết tiêu thụ, tăng lợi thế cạnh tranh và có tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái. Theo các nhà vườn, giá bán nhiều loại trái cây như xoài, dâu, mãng cầu, chôm chôm, sầu riêng, ổi… hiện đã giảm nhiều so với cách đây hơn 3 tháng. Nguyên nhân do bước vào thu hoạch, nguồn cung tăng, sự cạnh tranh của nhiều loại trái cây tại thị trường trong nước làm sức mua bị ảnh hưởng và đầu ra xuất khẩu nhiều loại trái cây đang gặp khó vì còn hạn chế xuất khẩu, nhất là ở thị trường Trung Quốc bởi chính sách “Zero Covid” vẫn còn đang tiếp diễn. Sản lượng cây ăn trái, nhiều nhà vườn Cần Thơ đã gặp nhiều khó khăn lớn vì giá phân bón cùng hàng loạt chi phí tăng cao từ năm 2021, năm nay phân bón tiếp tục “bão giá”, khiến nông dân càng “méo mặt”, đứng trước nguy cơ bỏ vườn vì thiếu vốn.
Nhìn chung, tổng sản lượng cây lâu năm 9 tháng/2022, ước đạt 169.804 tấn, tăng 13,95% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng cây ăn trái đạt 162.834 tấn, tăng 14,48% so cùng kỳ. Sản lượng 9 tháng/2022 tăng cao là do những diện tích trồng mới, chuyển đổi từ đất trồng màu sang cây ăn trái từ các năm trước, hiện tại đã vào giai đoạn thu hoạch rộ, bà con nông dân được ngành Nông nghiệp hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc cây trồng nên ngày càng tiếp cận được các kỹ thuật tiên tiến. Bên cạnh đó, do bà con phun thuốc kích thích cho trái mùa nghịch nhiều vụ trong năm nên sản lượng tăng mạnh hơn cùng kỳ.
Chăn nuôi: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố không xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản. Tại thời điểm tháng 9/2022, tổng đàn heo khoảng 129.105 con, giảm 0,78% so với cùng kỳ; đàn trâu 265 con, giảm 3,64%; đàn bò 4.310 con, giảm 5,4% so với cùng kỳ; đàn gia cầm 2.271 nghìn con, tăng 17,41% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng/2022, sản lượng thịt heo xuất chuồng ước đạt 15.622 tấn, tăng 2,61% so cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 5.514 tấn, tăng 10,19% so với cùng kỳ.
b) Lâm nghiệp: Ước tính 9 tháng/2022, toàn thành phố đã trồng được 644 nghìn cây phân tán, tăng 37% so với cùng kỳ.
c) Thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản 9 tháng/2022 (không bao gồm diện tích sản xuất giống) ước đạt 3.849 ha, tăng 14,52% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, diện tích nuôi cá tra thâm canh, bán thâm canh ước đạt 751 ha, tăng 14,66%, các loại cá khác thả nuôi được 3.080 ha, tăng 14,88% so cùng kỳ. Tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản 9 tháng/2022 ước khoảng 164.636 tấn, tăng 8,86% so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng thu được từ cá nuôi nước ngọt ước đạt 158.949 tấn, tăng 8,68% so với cùng kỳ.
Sản lượng cá nuôi nước ngọt tăng tập trung chủ yếu ở cá tra nuôi công nghiệp đạt 138.610 tấn, tăng 9,15% so với cùng kỳ năm 2021, cá khác còn lại nuôi ao mương vườn đạt 18.538 tấn, tăng 5,95% so với cùng kỳ do đã vào thời điểm thu hoạch. Ngoài ra, sản lượng cá nuôi trong lồng bè, vèo ước đạt 1.801 tấn, tăng 2,39% so với cùng kỳ.
Sản lượng khai thác thủy sản nội địa ước 9 tháng/2022 đạt khoảng 4.508 tấn, tăng 14,94% so cùng kỳ năm 2021, trong đó cá đạt 3.572 tấn, tăng 15,82%; tôm 8 tấn, tăng 15,385; thủy sản nước ngọt khác ước 928 tấn, tăng 11,67% so với cùng kỳ.
6. Sản xuất công nghiệp
Tình hình hoạt động của nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đã đạt được kết quả khả quan. Hầu hết các doanh nghiệp đều xây dựng kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tiềm lực của đơn vị, cũng không ngừng vượt qua thách thức khó khăn từ thị trường, tìm kiếm cơ hội từ những bất ổn của thị trường quốc tế để phát triển kinh doanh, tăng tiêu thụ, tăng sản xuất, mang về hiệu quả tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính chung 9 tháng/2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 30,86% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tháng 9/2022, tăng 5,30% so tháng trước và tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 2,6 lần; sản xuất và phân phối điện tăng 52,11%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 30,68% so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp ước quý III/2022 tăng 92,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng hơn 2 lần; sản xuất và phân phối điện tăng 42,75%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 26,39% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng/2022, IIP tăng 30,86% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 37,10%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,97%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,37%. Nhiều ngành có sản lượng sản phẩm công nghiệp tăng khá cao so với cùng kỳ, cụ thể: Phi lê đông lạnh ước tăng 42,35% so với cùng kỳ; tôm đông lạnh tăng 34,86%; xay xát gạo tăng 32,11%; sản phẩm thức ăn cho gia súc tăng 34,61%; nước ngọt (cocacola, 7 up,..) tăng 43,42%; bộ com-lê, quần áo đồng bộ cho người lớn dệt kim hoặc đan móc tăng 42,40%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 59,45%; dược phẩm dạng viên tăng 71,39%; đinh mủ, đinh vít tăng 89,27%;… Theo báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty sản xuất cá đóng hộp, từ đầu năm đến nay có nhiều thuận lợi hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sản lượng sản phẩm sản xuất tháng 9/2022 thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, nguyên nhân là do thời điểm này năm trước, công ty được địa phương hỗ trợ mọi mặt để duy trì hoạt động sản xuất, để có đủ hàng hóa cung cấp cho thị trường, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu của người dân, nên sản lượng sản phẩm sản xuất tháng 9/2021 rất cao. Ở chiều ngược lại, có một số sản phẩm sản xuất giảm so với cùng kỳ, cụ thể như: Thuốc lá có đầu lọc giảm 5,43% so với cùng kỳ (tiêu thụ còn khó khăn nên sản lượng sản phẩm sản xuất giảm); phân khoáng và phân hóa học NPK giảm 21,85%; sản phẩm sắt thép giảm 0,65%; rác thải không độc hại đã thu gom không thể tái chế giảm 8,16%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tháng 9/2022 tăng hơn 4 lần so với tháng cùng kỳ. Tính chung 9 tháng/2022, chỉ số tiêu thụ ước tăng 90,02% so với cùng kỳ. Nhiều ngành có mức tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ, cụ thể: Chế biến, bảo quản thủy sản; xay xát và sản xuất bột thô; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản; sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng; sản xuất thuốc tây; sản xuất sản phẩm khác bằng kim loại chưa được phân vào đâu;… Mức tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của một số ngành tăng cao, các biện pháp tăng cường quảng bá sản phẩm công nghiệp của các doanh nghiệp, cũng như các hình thức khuyến mãi, chiêu thị của các công ty đã phát huy tác dụng, thêm vào đó, tình hình xuất khẩu hàng hóa thuận lợi cũng nâng cao sản lượng tiêu thụ sản phẩm công nghiệp. Một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến và bảo quản thủy sản tranh thủ thời cơ khi tình hình lạm phát ở một số quốc gia tăng cao, Nga cấm xuất khẩu thủy sản sang một số quốc gia trong khu vực, vì vậy cá tra là lựa chọn tối ưu cho người tiêu dùng quốc tế vì giá bán không quá cao, có thể thay thế một số loại cá khác trong sinh hoạt đã ký kết hợp đồng xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh và một vài quốc gia khác, điều này đã góp phần cho tăng trưởng cả về sản xuất cũng như tiêu thụ lĩnh vực công nghiệp nói chung, ngành chế biến thủy sản nói riêng. Ở chiều ngược lại, cũng có một số ngành có mức tiêu thụ còn hạn chế như: Sản xuất bia ước tiêu thụ 9 tháng/2022 giảm 3,06% so với cùng kỳ; sản xuất phân bón giảm 40,4%; sản xuất bàn bằng gỗ các loại giảm 53,34%...
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/9/2022 giảm 70,84% so với tháng cùng kỳ và tăng 1,91% so với tháng trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm mạnh so với cùng kỳ như: Chế biến, bảo quản thủy sản; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản; sản xuất thuốc lá; sản xuất phân bón; sản xuất thuốc bảo vệ thực vật; sản xuất xi măng; sản xuất sắt thép;…. Thời gian gần đây, giá sắt thép liên tục biến động giảm, nhiều công trình xây dựng có vốn đầu tư lớn đang quyết liệt thi công để đạt tiến độ, điều này cũng góp phần tích cực trong việc tiêu thụ sản phẩm ngành xây dựng, giảm lượng hàng tồn kho đáng kể tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, vẫn còn một số ngành chỉ số tồn kho còn nhiều như: Xay xát lúa gạo; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục); may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú); sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa; sản xuất sản phẩm từ plastic; sản xuất bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động;…
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước tháng 9/2022 giảm 0,45% so với tháng trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước không thay đổi; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,53% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 1,93%. Tình hình lao động tại các doanh nghiệp ước tháng 9/2022 không biến động nhiều so với tháng trước, hầu hết các doanh nghiệp đã tuyển dụng được lao động theo đúng yêu cầu sản xuất kinh doanh tại đơn vị.
7. Thương mại dịch vụ
a) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tình hình thương mại, dịch vụ 9 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố Cần Thơ có nhiều ngành và lĩnh vực phục hồi rất nhanh như: Lưu trú ăn uống và du lịch lữ hành, một số dịch vụ vui chơi giải trí cũng tăng trưởng ấn tượng trong quý III năm 2022. Cùng với chính sách tiêm vắc xin, hỗ trợ khó khăn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể nên tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022 của thành phố gặp nhiều thuận lợi.
Tổng mức bán ra hàng hóa và dịch vụ ước đạt 17.720,06 tỷ đồng, tăng 5,43% so với tháng trước và tăng 54,80% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, ước đạt 142.894,53 tỷ đồng, tăng 36,48% so với cùng kỳ.
Trong đó: Tháng 9/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 10.272,36 tỷ đồng, tăng 3,81% so với tháng trước và tăng 76,72% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 7.793,03 tỷ đồng, tăng 4,62% so tháng trước và tăng 47,86% so với cùng kỳ; ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống trải qua một năm đầy khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, đầu năm 2022 đến nay hầu hết các khách sạn nhà hàng đều hoạt động bình thường trở lại nên doanh thu tăng mạnh và ước đạt 1.181,42 tỷ đồng, tăng 6,89% so tháng trước và tăng hơn 9 lần so cùng kỳ; du lịch lữ hành thành phố diễn ra nhiều sự kiện lớn với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ và vui chơi giải trí hấp dẫn và các chuyến bay nội địa, các công ty du lịch lữ hành bắt đầu hoạt động trở lại nên nhu cầu du lịch, đi lại của người dân tăng mạnh ước đạt 47,01 tỷ đồng, giảm 28,55% so tháng trước; dịch vụ khác ước đạt 1.250,90 tỷ đồng, giảm 1,88% so tháng trước và tăng hơn 3 lần so cùng kỳ, hầu hết các cơ sở dịch vụ đã hoàn toàn phục hồi mạnh mẽ sau khi thành phố đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Ước tính quý III/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 30.339,62 tỷ đồng, tăng 5,80% so với quý trước và tăng 98,20% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 23.086,83 tỷ đồng, tăng 5,74% so quý II/2022 và tăng 67,63% so cùng kỳ; lưu trú, ăn uống ước đạt 3.382,16 tỷ đồng, tăng 7,51% so quý II/2022 và tăng hơn 9 lần so cùng kỳ; du lịch lữ hành ước đạt 169,40 tỷ đồng, tăng 56,49% so quý II/2022; dịch vụ khác ước đạt 3.701,25 tỷ đồng, tăng 3,11% so quý II/2022 và tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 86.166,18 tỷ đồng, tăng 43,53% so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 65.619,56 tỷ đồng, tăng 34,84% so với cùng kỳ năm trước; lưu trú, ăn uống ước đạt 9.386,29 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ; du lịch lữ hành ước đạt 322,63 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ, du lịch xanh, du lịch sinh thái là một trong những xu hướng được yêu thích hiện nay, nhất là sau đại dịch Covid-19, loại hình du lịch sinh thái là thế mạnh và đang thu hút lượng lớn du khách trong các ngày lễ, dịp hè; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 10.837,70 tỷ đồng, tăng 54,99% so với cùng kỳ năm 2021.
b) Vận tải và bưu chính chuyển phát
Từ đầu năm đến nay ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động vận tải dần được phục hồi, các công ty vận tải đầu tư nhiều hơn cho hoạt động kinh doanh để khai thác có hiệu quả các tuyến vận tải trong nước.
Trong tháng 9/2022, tổng doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát ước đạt 295,54 tỷ đồng, giảm 2,34% so tháng trước và tăng 79,74% so cùng kỳ.Ước tính quý III/2022 đạt 874,57 tỷ đồng, tăng 2,78% so quý trước và tăng 103,94% so cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 2.448,03 tỷ đồng, tăng 30,81% so cùng kỳ năm trước, cụ thể doanh thu vận tải hành khách ước đạt 529,54 tỷ đồng, tăng 53,67% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.406,27 tỷ đồng, tăng 24,53%; dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 463,03 tỷ đồng, tăng 30,94% và bưu chính chuyển phát ước đạt 49,18 tỷ đồng, tăng 11,91% so với cùng kỳ.
Vận tải hành khách: Số lượt hành khách vận chuyển trong tháng 9/2022 ước đạt 1.644,55 nghìn hành khách, giảm 1,0% so với tháng trước và tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ. Ước tính quý III/2022, số lượt hành khách vận chuyển đạt 5.027,61 nghìn lượt hành khách, tăng 6,04% so với quý trước và tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 13.765,17 nghìn hành khách, tăng 28,10% so với cùng kỳ.
Tháng 9/2022, số lượt hành khách luân chuyển đạt 84.541,24 nghìn hành khách.km, giảm 8,46% so tháng trước, tăng mạnh so với cùng kỳ. Ước tính quý III/2022, số lượt hành khách luân chuyển đạt 277.594,57 nghìn lượt hành khách.km, tăng 27,45% so quý trước và tăng 4,8 lần so cùng kỳ. Tính chung 9 tháng/2022, số lượt hành khách luân chuyển đạt 704.048,01 nghìn hành khách.km, tăng 56,72% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 9/2022, ước đạt 788,76 nghìn tấn, tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ lần lượt là 3,30%; 44,81%. Ước tính quý III/2022, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 2.308,11 nghìn tấn, giảm 6,30% so với quý trước và tăng 63,98% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng/2022, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 7.794,18 nghìn tấn, tăng 21,65% so với cùng kỳ.
Trong tháng 9/2022, khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 130.732,24 nghìn tấn.km, tăng 5,12% so tháng trước, tăng 45,86% so với cùng kỳ. Ước tính quý III/2022, khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 383.851,87 nghìn tấn.km, giảm 6,47% so với quý trước và tăng 62,65% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng/2022, khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 1.255.174,71 nghìn tấn.km, tăng 19,96% so với cùng kỳ.
Bưu chính, viễn thông: Thực hiện chỉ đạo các doanh nghiệp Bưu chính triển khai thực hiện đảm bảo các tuyến đường thư phục vụ chỉ đạo của thành phố về quốc phòng, an ninh và các chỉ đạo điều hành trong dịp Tết; xây dựng kế hoạch, phương án dự phòng sẵn sàng thay thế kịp thời khi có sự cố, tăng cường công tác phòng gian, bảo mật, xử lý và ứng cứu thông tin kịp thời, đảm bảo thông suốt hệ thống đường thư, đặc biệt là tuyến đường thư KT1 (mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước) trong và sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Thực hiện cấp 12 giấy phép và giấy xác nhận hoạt động bưu chính. Thực hiện thẩm định vị trí xây dựng 69 trạm BTS (Viettel Cần Thơ 30 trạm, Viễn thông Cần Thơ 39 trạm) cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng mạng lưới trên địa bàn thành phố, đã thống nhất xây dựng mới 33 trạm, yêu cầu khảo sát dùng chung 36 trạm, đạt tỷ lệ dùng chung 52%. Thẩm định chi phí di dời 02 trạm BTS (Viettel Cần Thơ 01 trạm, MobiFone 01 trạm); chi phí di dời tuyến cống bể của Viễn thông Cần Thơ trong dự án tuyến nối Quốc lộ 91 với tuyến tránh thành phố Long Xuyên. Triển khai các biện pháp xử lý rác viễn thông (SIM rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi giả mạo). Chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông đảm bảo mạng lưới thông tin liên lạc thông suốt, an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, dịp Lễ 30/4 và 01/5 và kỳ thi phổ thông trung học năm 2022.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Lao động, việc làm
Lực lượng lao động (LLLĐ) của thành phố Cần Thơ trong quý II/2022 là 607.018 lao động, ước quý III/2022 tăng khoảng 1% tương đương tăng khoảng 6.070 lao động so với quý II/2022.
Lao động có việc làm của Thành phố trong quý III/2022 là 585.497 lao động, ước quý 3/2022 tăng khoảng 1,2% tương đương 7.026 lao động. Tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp Cần Thơ đến tháng 8/2022 là 43.639 lao động (42.291 lao động chính thức, 1.348 lao động thời vụ), tăng 2.684 lao động so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng số lao động của các doanh nghiệp FDI là 19.846 lao động. Thành phố đang trên đà phục hồi tích cực sau dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất công nghiệp đang trên đà phục hồi tốt, có bước tăng trưởng tích cực. Doanh nghiệp đã kiểm soát tốt được dịch bệnh trong sản xuất, hầu hết người lao động trong doanh nghiệp đã được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19, giúp doanh nghiệp tự tin khôi phục toàn bộ hoạt động và tìm đơn hàng mới để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Các mặt hàng sản xuất công nghiệp chủ lực của thành phố đều tăng trưởng khả quan, hoạt động xuất khẩu hàng hóa có nhiều khởi sắc.
2. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội
a) Đời sống dân cư
9 tháng năm 2022, đời sống dân cư của thành phố Cần Thơ tương đối ổn định, mặc dù còn nhiều khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra và ảnh hưởng từ dịch bệnh đến kinh tế - xã hội và đời sống dân cư của thành phố khá nhiều, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, cố gắng ngăn chặn dịch bệnh triệt để, hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà Chính phủ giao. Thành phố Cần Thơ tiếp tục chăm lo cho đời sống và sức khỏe nhân dân, đặc biệt là các hộ gia đình chính sách, có công với cách mạng, các hộ nghèo, các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, người lao động và các hộ kinh doanh ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Nhìn chung, đời sống cán bộ, công chức và người lao động hưởng lương trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong 9 tháng năm 2022 tuy được sự quan tâm, hỗ trợ bằng các chính sách an sinh xã hội, tăng lương tối thiểu người lao động,…, nhưng giá cả một số mặt hàng thiết yếu tăng cao như hiện nay, thì thu nhập của đại đa số người lao động vẫn còn tương đối khó khăn.
Đời sống dân cư nông thôn phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất nông nghiệp. Giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật liên tục "lập đỉnh" đã tác động lớn đến thu nhập của đời sống dân cư khu vực nông thôn. Người nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất.
Để hỗ trợ phần nào cho đời sống của cán bộ, công chức và người lao động thì các cấp Công đoàn tổ chức các hoạt động chăm lo trong dịp Tết và các ngày lễ lớn tạo không khí phấn khởi trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Tất cả đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn đều rất phấn khởi khi cấp độ dịch được kiểm soát tốt ở mức bình thường mới; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khu vui chơi giải trí, điểm du lịch,… dần hồi phục, từng bước thích ứng với diễn biến của dịch bệnh, đảm bảo việc làm ổn định.
Phối hợp với Quỹ Xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng Lao động tổ chức Lễ khánh thành 03 cây cầu tại xã Trường Long, huyện Phong Điền (cầu Ngọn Trà Ếch, cầu Ba Bích và cầu Đìa Muồng) và tổ chức Lễ Khởi công xây dựng cầu Kênh A7, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ. Tất cả 04 cây cầu trên đều do Quỹ xã hội Từ thiện Tấm Lòng Vàng Lao Động tài trợ, kết hợp với nguồn vốn đối ứng của địa phương.
Phối hợp với Trung tâm hỗ trợ Học sinh Sinh viên thành phố Cần Thơ tổ chức Chương trình “Vui Tết Trung thu và trao học bổng cho con công nhân viên chức lao động thành phố” năm 2022. Dịp này, Liên đoàn Lao động thành phố cùng với các nhà tài trợ đã trao tặng 200 phần quà, mỗi phần trị giá 300 nghìn đồng (gồm quà và lồng đèn); trao 30 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho 10 cháu là con đoàn viên công đoàn có mất cha, mẹ do Covid-19 và 20 cháu con CNLĐ trực tiếp sản xuất có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Tổng kinh phí 110 triệu đồng từ nguồn tài chính công đoàn của Liên đoàn Lao động thành phố Cần Thơ và nguồn xã hội hóa từ các đơn vị, nhà tài trợ.
Công tác chăm lo và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công chức, viên chức và người lao động được quan tâm.
b) Công tác an sinh xã hội
Công tác giảm nghèo: Hỗ trợ 1000 phần quà (trị giá 300.000/phần) và tiền mặt mỗi hộ 300.000 đồng/hộ cận nghèo với tổng kinh phí 600 triệu đồng cho 1000 hộ cận nghèo khó khăn trên địa bàn; tham mưu dự thảo thảo xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 và Kế hoạch năm 2022 và xây dựng Kế hoạch và tổ chức kiểm tra kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025 ở quận, huyện, và tham gia Đoàn thanh tra diện rộng chính sách giảm nghèo huyện Vĩnh Thạnh.
Công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ từ thành phố đến cơ sở, đến tháng 9 năm 2022 thành phố còn 2.913 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,8% so với tổng số hộ dân.
Bảo trợ xã hội: Chi trả trợ cấp xã hội cho 41.437 đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng với tổng số kinh phí hơn 63 tỷ đồng. Phối hợp Ủy ban nhân dân quận Ô Môn tổ chức chương trình vui Tết Trung thu năm 2022 cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trao 300 phần quà trung thu, 10 xe đạp cho trẻ em trên địa bàn. Phối hợp Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Ngân hàng Shinhan Việt Nam tổ chức Chương trình “Những chuyến xe yêu thương” trao tặng 67 chiếc xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Phối hợp Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Hy Vọng (Tập đoàn FPT) đưa 04 học sinh là trẻ em mồ côi do ảnh hưởng dịch Covid-19 tham gia nhập học năm học 2022 - 2023 tại trường.
Tiếp tục phối hợp, kết nối, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức quan tâm hỗ trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, đặc biệt là trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trẻ em sống tại các trung tâm, cơ sở trợ giúp xã hội. Nổi bật như kết nối cùng Nhóm Những người yêu Sài Gòn tổ chức Chương trình “Chung tay cùng bạn đến trường” trao Sổ tiết kiệm lần 2 cho 90 trẻ em mồ côi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Mỗi sổ tiết kiệm 4 triệu đồng) và quà sữa bột, sữa nước của nhà tài trợ; đồng hành cùng Tạp chí Gia đình Việt Nam tại thành phố Cần Thơ trong chương trình “Nối vòng yêu thương” trao học bổng (Mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho 90 trẻ em mồ côi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; kết nối Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ 06 trẻ sơ sinh của Trung tâm Công tác xã hội được uống 1 năm uống sữa non miễn phí, tổng trị giá trên 400 triệu đồng...
3. Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT)
Sở đã tổ chức Lễ Tuyên dương, khen thưởng HS giỏi năm học 2022 - 2023; Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 của ngành GD&ĐT thành phố; Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 đối với bậc học mầm non, cấp tiểu học, cấp trung học.
Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (sau phúc khảo): Tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn thành phố sau phúc khảo (kể cả thí sinh tự do) đạt 98,43% (THPT đạt 99,40%; GDTX đạt 87,29%).
Triển khai Thư của Chủ tịch nước gửi ngành GD&ĐT nhân dịp Lễ khai giảng năm học 2022 - 2023; Thư chúc mừng của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố nhân ngày khai giảng năm học 2022 - 2023.
Phối hợp với các cơ quan báo, đài thực hiện truyền thông liên tục về công tác chuẩn bị tựu trường và khai giảng năm học 2022 - 2023; công tác đảm bảo các điều kiện tổ chức bán trú cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học của các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.
Tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố trình Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố ban hành Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND ngày 24/8/2022 quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố năm học 2022 - 2023; Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 24/8/2022 về chính sách hỗ trợ học phí năm học 2022 - 2023; Quyết định số 2990/QĐ-UBND ngày 18/8/2022 ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Chỉ đạo phòng GD&ĐT quận, huyện, các cơ sở giáo dục trực thuộc tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 77 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2022) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2022); triển khai các nội dung về phòng, chống dịch Covid-19, đẩy mạnh việc tuyền truyền tiêm ngừa vắc xin đối với công chức, viên chức, người lao động và học sinh.
Phát động Cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2022 trong toàn Ngành, Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” năm 2022; Cuộc thi viết về gương người tốt, việc tốt năm 2022.
Tổ chức đoàn vận động viên tham gia thi đấu tại Đại hội Thể dục thể thao thành phố năm 2022; Giải Bóng đá HS tiểu học và trung học cơ sở toàn quốc Cúp Milo khu vực II năm 2022; Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh, sinh viên thành phố Cần Thơ lần thứ XII, năm 2022.
4. Y tế
Tình hình dịch bệnh: Tính từ ngày 15/8/2022 đến ngày 14/9/2022, Thành phố Cần Thơ ghi nhận 1.107 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 142 trường hợp so với tháng trước, không có tử vong. Lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 4.330 trường hợp mắc, không có tử vong, tăng 3.609 trường hợp so cùng kỳ năm 2021; tay chân miệng ghi nhận 146 trường hợp mắc, giảm 252 trường hợp so với tháng trước, không có tử vong. Lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 1.623 trường hợp mắc, không có tử vong, tăng 515 trường hợp so cùng kỳ năm 2021; sởi và sốt phát ban nghi sởi không ghi nhận trường hợp mắc, giảm 01 trường hợp so với tháng trước. Lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 02 trường hợp mắc, không có tử vong, tăng 01 trường hợp so cùng kỳ năm 2021; tiêu chảy 1.030 trường hợp, giảm 16,8% so với tháng trước.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19: Trong tháng ghi nhận 85 trường hợp mắc, 01 trường hợp tử vong; tăng 76 ca mắc và 01 ca tử vong so với tháng trước (09 trường hợp mắc, không tử vong). Lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 8.504 trường hợp mới mắc, có 370 ca tử vong. Tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát tình hình dịch Covid-19, khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội.
Ngành Y tế phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện duy trì liên tục 90 điểm tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn các quận, huyện trong thời gian nghỉ Lễ Quốc khánh. Tính đến ngày 14/9/2022, có 3.452.939 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm cho người dân trên địa bàn (đạt 104,2% số liều được phân bổ), cơ bản hoàn thành việc tiêm đủ 02 liều cơ bản cho dân số từ 12 tuổi trở lên và mũi 1 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Tỷ lệ tiêm mũi 3,4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên lần lượt đạt 68,6% và 75,7%. Tỷ lệ trẻ từ 12 đến 17 tuổi tiêm mũi 3 đạt 56,9%. Tỷ lệ trẻ từ 5 - 11 tuổi được tiêm mũi 2 là 85,1%.
Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 12/01/2022 về quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ; Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 21/01/2022 về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trước biến thể mới (Omicron) của SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố và Quyết định số 552/QĐ-UBND ngày 28/01/2022 về việc ban hành Chiến lược y tế phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Chương trình số 10/CTr-UBND ngày 18/4/2022 về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ; Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2022 về việc xét nghiệm giám sát trọng điểm phát hiện sớm Covid-19 trong cộng đồng năm 2022.
Căn cứ Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; Ngành Y tế đã thực hiện đánh giá cấp độ dịch theo quy mô xã, phường, thị trấn vào thứ 6 hàng tuần. Hiện thành phố có 83/83 xã/phường/thị trấn cấp độ 1; không có xã/phường/thị trấn cấp độ 2,3,4.
Công tác y tế dự phòng khác: Chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết, các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thuốc, trang thiết bị, đường dây nóng để tiếp nhận và điều trị các trường hợp sốt xuất huyết nặng. Ban hành kế hoạch thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng kết hợp phun hóa chất diệt muỗi chủ động trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết và Zika từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2022 tại thành phố Cần Thơ; Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết và Zika tại thành phố Cần Thơ năm 2022. Tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ; triển khai hướng dẫn chuẩn đoán điều trị và dự phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người của Bộ Y tế.
Triển khai thực hiện Kế hoạch số 163/KH UBND ngày 29/7/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc triển khai tiêm bổ sung vắc xin bại liệt (IPV) trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2022.
Xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn của ngành y tế thành phố Cần Thơ năm 2022 và kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn ngành y tế; Kế hoạch Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2022.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS: Lũy tích số người nhiễm HIV phát hiện được là 7.108 trường hợp. Trong đó, tử vong 2.581 trường hợp, số nhiễm HIV còn sống 4.527 trường hợp. Điều trị ARV cho 4.690 trường hợp, điều trị Methadone cho 320 trường hợp.
Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm: Trong tháng không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố.
5. Văn hóa, thể thao
Văn hóa: Tuyên truyền cổ động và tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao và du lịch kỷ niệm ngày lễ, sự kiện của đất nước và thành phố.
Thực hiện Chủ đề năm 2022 của thành phố “Tập trung kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thành phố”.
Tiếp tục phối hợp Sở Y tế và các ngành chức năng, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn thành phố, triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Thư viện: Hệ thống thư viện bổ sung 18.941 bản sách (đạt 65% kế hoạch năm), phục vụ 2.686.185 lượt người (đạt 90% kế hoạch năm), phục vụ 5.320.929 lượt thông tin tài liệu. Tổ chức Hội Báo xuân và cuộc thi Ấn phẩm Xuân Nhâm Dần 2022 TP Cần Thơ. Tổ chức các hoạt động chào mừng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21 tháng 4) năm 2022. Xây dựng và ra mắt bộ sưu tập số “Địa chí ĐBSCL” của Liên hiệp Thư viện ĐBSCL (khoảng 400 tài liệu). Phục vụ xe thư viện lưu động tại 49 trường học trên địa bàn 06 quận/huyện (Vĩnh Thạnh, Cái Răng, Ô Môn, Thới Lai, Ninh Kiều, Bình Thủy), phục vụ 26.332 lượt người và 210.300 lượt thông tin tài liệu.
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa: Tổ chức phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng thành phố, di tích lịch sử - văn hóa, Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ, thu hút 486.557 lượt khách, đạt 243,3% kế hoạch năm. Thực hiện hồ sơ khoa học của 227 hiện vật. Tổ chức chương trình “Sắc xuân miệt vườn năm 2022. Tổ chức triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” trong khuôn khổ “Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III - Cần Thơ năm 2022”, Bảo tàng thành phố đạt huy chương vàng. Thực hiện công tác giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường năm học 2021 - 2022. Phối hợp Trung tâm khảo cổ - Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ thực hiện điều tra, khảo sát di chỉ khảo cổ văn hóa Óc Eo trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Triển khai thực hiện hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể “Nghề làm bánh tráng ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ”.
Hoạt động nghệ thuật (liên hoan, hội thi, hội diễn): Cấp khu vực - toàn quốc, tham gia 05 cuộc, đạt 125% kế hoạch năm. Hội diễn Đàn, hát dân ca 3 miền tại tỉnh Lâm Đồng; hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử và Không gian Đờn ca tài tử; hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2022 tại tỉnh An Giang; hội diễn Tiếng hát 9 dòng sông tại tỉnh Bến Tre; hội thi Tiếng hát công nhân, người lao động tại tỉnh Bắc Ninh. Tổng số lượng huy chương tính đến thời điểm hiện tại của các đoàn tham gia 04 huy chương vàng (HCV) tập thể; 08 HCV tiết mục, 11 huy chương bạc (HCB) tiết mục và 02 giải cá nhân.
Cấp thành phố: Tổ chức 01 cuộc, đạt 50% kế hoạch năm. Tổ chức Hội thi “Hoạt động tuyên truyền lưu động thành phố Cần Thơ lần thứ 42 năm 2022.
Nhà hát Tây Đô: Tổ chức Tổ chức 66 suất, đạt 132% kế hoạch năm và phục vụ khoảng 27.777 lượt người xem, đạt 111% kế hoạch năm.
Thể dục, thể thao: Tính đến tháng 9 năm 2022, chỉ tiêu người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên 428.197 người, đạt 99,7% kế hoạch năm; số gia đình thể thao 96.631 hộ, đạt 102% kế hoạch năm, số câu lạc bộ thể dục thể thao 1.336 câu lạc bộ, đạt 99% kế hoạch năm.
Tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể dục thể thao thành phố Cần Thơ lần thứ IX năm 2022.
Chỉ đạo tổ chức Lễ phát động cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” kết hợp tổ chức tháng hoạt động thể dục thể thao cho mọi người và ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2022.
Tổ chức 09 giải thể thao cấp thành phố có 2.043 vận động viên tham gia, thu hút trên 8.400 lượt người xem, gồm: Giải Việt dã thành phố Cần Thơ lần thứ I, 06 Giải vô địch trẻ, học sinh các môn thể thao thành phố Cần Thơ, Giải Bóng chuyền hơi chào mừng kỷ niệm Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình; kỷ niệm 21 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2022), Giải đua thuyền ván SUP thành phố Cần Thơ lần thứ I.
6. Chính sách lao động - xã hội
Lĩnh vực lao động: Thành phố Cần Thơ (TPCT) giải quyết việc làm 4.857 lao động (cung ứng lao động đi làm việc nước ngoài là 37 người). Lũy kế từ đầu năm đã giải quyết việc làm cho 46.244 lao động, đạt 91,75% kế hoạch, tăng 98,48% so với cùng kỳ năm 2021.
Trung tâm Dịch vụ việc làm TPCT đã thực hiện tư vấn việc làm, chính sách việc làm và học nghề cho 13.824 lượt; giới thiệu việc làm trong và ngoài nước cho 1.763 lượt, cung ứng lao động trong và ngoài nước 158 người với hình thức người lao động đến liên hệ trực tiếp tại Trung tâm, gián tiếp qua hộp thư điện tử, tổng đài điện thoại, nhóm quản trị nhân sự Cần Thơ, mạng xã hội Zalo và Facebook của Trung tâm, Cổng thông tin Việc làm Cần Thơ, Ngày gặp gỡ nhà tuyển dụng thứ Hai hàng tuần; ngày Hội việc làm Cao đẳng FPT Polytechnic năm 2022 và Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành phố lân cận. Thực hiện thu thập 1.106 chỗ vị trí việc làm trống của doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thông qua khảo sát, cập nhật từ các kênh tuyển dụng của các doanh nghiệp; thu thập thông tin của 318 lượt lao động có nhu cầu tìm việc vào hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm thống kê thực trạng thị trường lao động.
Số lượng hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.078 hồ sơ (Văn phòng Ô Môn 233 hồ sơ, Văn phòng Cờ Đỏ 95 hồ sơ), tăng 0,84% so với tháng trước (1.069 hồ sơ), tăng 205,4% so với cùng kỳ năm 2021 (353 hồ sơ). Đã thực hiện số hóa 2.229 kết quả thủ tục hành chính (TTHC); “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia 436 hồ sơ.
Thực hiện chính sách Người có công: Hiện có 5.435 Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng; trong đó có 27 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, tất cả các Mẹ đều đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Tổ chức 02 đợt đưa Đoàn Người có công với cách mạng TPCT đi điều dưỡng tập trung tại thành phố Đà Lạt từ 07/9 - 02/10/2022. Phối hợp Tổng công ty Việt Nam Airline thăm tặng quà cho 2 mẹ Việt Nam Anh hùng tại quận Cái Răng.
Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ (tại Nghị quyết số 68/NQ-CP)
Tính đến ngày 09/9/2022, toàn thành phố đã phê duyệt hỗ trợ 3.946 người sử dụng lao động, 716.798 lượt người, kinh phí trên 1.354 tỷ đồng; đã chi hỗ trợ cho 3.946 người sử dụng lao động, 706.084 người với tổng kinh phí trên 1.337 tỷ đồng, đạt 98,51% so với số lượng được duyệt, cụ thể:
Nhóm chính sách Bảo hiểm xã hội (gồm các chính sách 1, 2, 3 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP): Đã hoàn thành hỗ trợ 3.918 người sử dụng lao động với 104.767 người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền trên 45,2 tỷ đồng.
Nhóm chính sách hỗ trợ tiền mặt (gồm các chính sách 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP): Đã phê duyệt 594.838 lượt người, kinh phí trên 1.147 tỷ đồng; đến nay đã chi hỗ trợ cho 584.124 lượt người, kinh phí trên 1.130 tỷ đồng, đạt 98,20% so với số lượng được phê duyệt (Trong đó, chính sách hỗ trợ lao động tự do theo Nghị quyết số 52/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố: Đã phê duyệt 424.457 người, kinh phí trên 848 tỷ đồng; đã chi hỗ trợ cho 419.654 người với tổng kinh phí trên 839 tỷ đồng, đạt 98,87% so với số lượng được duyệt).
Nhóm chính sách vay vốn (chính sách 11 theo mục II, Q số 68/NQ-CP): Đã giải ngân cho 28 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho 17.193 người lao động với số tiền cho vay trên 160,9 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn thành phố Cần Thơ (tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg).
Tính đến ngày 13/9/2022, thành phố có 8/9 quận, huyện nhận được hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ (huyện Cờ Đỏ không có hồ sơ đề nghị hỗ trợ). Thành phố đã phê duyệt 1.662 lượt doanh nghiệp hỗ trợ cho 59.869 lượt người lao động với kinh phí 31.377,5 triệu đồng; các quận, huyện đã hoàn thành chuyển kinh phí cho 1.662 lượt doanh nghiệp hỗ trợ cho 59.869 lượt người lao động với kinh phí 31.377,5 triệu đồng. Trình UBND thành phố báo cáo tổng kết thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn TPCT.
7. Tình hình tai nạn giao thông, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường
Tai nạn giao thông, phòng chống cháy nổ: Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ (từ ngày 15/8/2022 đến ngày 14/9/2022) trên địa bàn thành phố đã xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông đường bộ, tăng 04 vụ so cùng kỳ; chết 03 người, tăng 03 người so với cùng kỳ; 01 người bị thương, tăng 01 người so với cùng kỳ, thiệt hại tài sản khoảng 3 triệu đồng. Lũy kế 9 tháng/2022, tổng số vụ tai nạn giao thông 51 vụ (đường bộ 50 vụ và đường thủy 01 vụ), 50 người chết, 6 người bị thương.
Tình hình cháy, nổ tháng 9/2022 (từ ngày 15/8/2022 đến 14/9/2022) trên địa bàn thành phố Cần Thơ không xảy ra vụ cháy, nổ (không tăng giảm so với cùng kỳ). Lũy kế 9 tháng số vụ cháy là 10 vụ cháy, 01 vụ nổ; thiệt hại tài sản thống kê được 1.531 triệu đồng.
Bảo vệ môi trường: Trong tháng 9 số vụ vi phạm đã phát hiện 02 vụ, số vụ đã xử lý 02 vụ với số tiền xử phạt 128 triệu đồng (trong đó số vụ xử phạt 02 vụ là của tháng trước chuyển sang với số tiền xử phạt 128 triệu đồng). So với tháng trước, số vụ vi phạm đã phát hiện tăng 02 vụ và tăng 02 vụ so với cùng kỳ năm trước. Tính lũy kế đến hết tháng báo cáo số vụ vi phạm đã phát hiện 27 vụ, số vụ đã xử lý 19 vụ, với tổng số tiền xử phạt 545,25 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ vi phạm đã phát hiện giảm 30 vụ.
Tình hình thiên tai: Tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố đã xảy ra 07 vụ mưa lớn, 20 vụ lốc, 01 vụ sét và 09 vụ sạt lở bờ sông, trong đó, mưa, kèm theo giông lốc làm 10 nhà bị sập, cuốn trôi; 47 nhà bị hư hại, tốc mái với tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước khoảng 947 triệu đồng; sạt lở làm sạt hoàn toàn 05 căn nhà, 16 căn nhà bị sạt một phần và bị ảnh hưởng, tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở là 268 m với tổng thiệt hại ước khoảng 2.670 triệu đồng, sét đánh làm chết 01 người và 01 người bị thương. Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn thành phố đã đề nghị hỗ trợ từ Quỹ Phòng, chống thiên tai thành phố để hỗ trợ và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn thành phố từ đầu năm 2022 đến nay là 553,5 triệu đồng.
III. ĐỀ XUẤT, GIẢI PHÁP
Để tiếp tục đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng 3 tháng cuối năm 2022, hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kinh tế năm 2022 thành phố cần triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tăng cường triển khai nhanh, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ, biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, nhất là việc thực hiện, giải ngân tiền thuê nhà cho người lao động đã được phê duyệt tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 23/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Hai là, Quyết liệt triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phát huy vai trò của các Tổ công tác thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố, nâng cao ý thức, năng lực cán bộ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công.
Ba là, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ theo Chỉ thị của Ban thường vụ Thành ủy, Kế hoạch của UBND thành phố, đặc biệt tiến độ hoàn thiện Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ và các dự án mang tính chất đòn bẩy như Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, Cụm Năng lượng Nhiệt điện Ô Môn…
Bốn là, chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch Covid-19. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vắc xin phòng Covid-19 và tăng cường truyền thông, vận động người dân tham gia tiêm chúng vắc xin phòng Covid-19. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ./.
CỤC THỐNG KÊ TP CẦN THƠ
Các biểu số liệu:
Tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2022
Số liệu KTXH tháng 9/2022