Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, kéo dài; đặc biệt tình hình diễn biến kinh tế thế giới bất ổn và giá xăng, dầu tiếp tục có xu hướng tăng, đã làm tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giá thành sản phẩm tăng, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước,…
Cụ thể, kết quả hoạt động của từng ngành, lĩnh vực như sau:
1. Nông, lâm nghiệp và thủy sản
Vụ lúa đông xuân 2022 - 2023, đa số bà con nông dân đều quan tâm chuẩn bị nguồn giống chất lượng, chú trọng chọn, trồng các giống lúa cho gạo thơm ngon và chất lượng cao để bán được giá cao và đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Việc chọn giống không chỉ giúp cây lúa khỏe mạnh, ít sâu bệnh, giúp giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần quan trọng vào việc tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng; chăn nuôi ổn định, không xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản. Tính chung 11 tháng/2022, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 202.714 tấn, tăng 10,69% so với cùng kỳ 2021.
a) Nông nghiệp
Cây lúa: Thành phố Cần Thơ có kế hoạch gieo trồng 74.188 ha lúa đông xuân. Dự kiến lịch thời vụ xuống giống gồm 2 đợt chính, đợt 1 từ ngày 28/10 đến 03/11/2022 và đợt 2 từ ngày 18/11 đến 24/11. Năm nay nước lũ rút chậm, dự kiến nông dân tại nhiều nơi sẽ tập trung gieo sạ lúa đông xuân trong đợt 2 vào tháng 11/2022.
Diện tích gieo trồng lúa đông xuân được 14.643 ha, sớm hơn so với cùng kỳ 10.856 ha, đạt 19,74% so với kế hoạch. Ðông xuân là vụ lúa quan trọng nhất trong năm do lúa thường cho năng suất, chất lượng tốt nhất, giúp nông dân có lời nhiều và vụ lúa này cũng có tính quyết định đến các vụ tiếp theo nên nông dân rất quan tâm trong khâu chọn giống.
Cây hàng năm khác: Tổng diện tích gieo trồng rau màu, đậu các loại và cây công nghiệp ngắn ngày được 270 ha thấp hơn 179 ha so với cùng kỳ. Trong đó, rau đậu các loại gieo trồng được 225 ha, giảm 29,02% so với cùng kỳ; cây ngô (bắp) gieo trồng được 16 ha, thấp hơn so với cùng kỳ 1 ha, đang trong giai đoạn xuống giống.
Cây lâu năm: Tổng diện tích cây ăn trái toàn thành phố Cần Thơ đến tháng 11/2022 ước đạt 24.589 ha, chiếm 94,69% trong tổng diện tích cây lâu năm, tăng 5,01% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng sản lượng cây ăn trái ước tính đạt 194.507 tấn, tăng 15,60% so cùng kỳ, sản lượng trái cây tăng cao do diện tích trồng mới, chuyển đổi từ đất trồng màu sang cây ăn trái từ các năm trước hiện tại đã vào giai đoạn thu hoạch. Bên cạnh đó, bà con nông dân được ngành Nông nghiệp hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc cây trồng nên ngày càng tiếp cận được các kỹ thuật tiên tiến, nâng cao chất lượng sản xuất...
Chăn nuôi: Tại thời điểm tháng 11/2022, tổng đàn heo 134.812 con, tăng 4,07% so cùng kỳ; đàn trâu 274 con, giảm 1,08% so với cùng kỳ; đàn bò 4.412 con, tăng 2,01% so với cùng kỳ; đàn gia cầm 2.404 nghìn con, tăng 23,20% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng/2022, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 44 tấn, tăng 1,16% so với cùng kỳ; sản lượng thịt bò ước đạt 306 tấn, tăng 3,73%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 18.270 tấn, tăng 3,34% và sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 7.787 tấn, tăng 13,80% so với cùng kỳ.
b) Lâm nghiệp: Diện tích trồng cây lâm nghiệp không còn, bà con nông dân chỉ trồng cây phân tán ở những vùng đất nhỏ lẻ ven các tuyến lộ giao thông nông thôn. Ngành Nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân ở các quận, huyện chăm sóc các cây đã trồng trong những năm trước, vận động xã hội hóa trồng cây nhân dân năm 2022. Đến nay, ước tính trồng được 798 nghìn cây phân tán.
c) Thủy sản: Diện tích thả nuôi thủy sản lũy kế 11 tháng/2022 (không bao gồm diện tích sản xuất giống) ước đạt 5.473 ha, tăng 2,41% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, diện tích nuôi cá tra thâm canh, bán thâm canh ước tính 766 ha, tăng 8,5%, các loại cá khác thả nuôi ước tính 4.685 ha, tăng 1,83% so cùng kỳ.
Tháng 11/2022, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 26.416 tấn, tăng 29,58% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng/2022, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 202.714 tấn, tăng 10,69% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, sản lượng thu được từ cá nuôi nước ngọt ước đạt 201.597 tấn, tăng 10,78% so cùng kỳ, chiếm 99,45% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng nội địa.
Sản lượng cá nuôi nước ngọt tăng tập trung chủ yếu ở cá tra nuôi công nghiệp trong tháng 11/2022, ước đạt 21.505 tấn, tăng 39,13% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng/2022, ước đạt 173.241 tấn, tăng 11,94% so với cùng kỳ.
Hiện nay, theo các chuyên gia dự báo nguồn cung cấp cá tra nguyên liệu cho việc xuất khẩu và chế biến từ nay đến cuối năm vẫn thiếu. Cá tra nguyên liệu đang được nông dân bán cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu dao động 29.000 - 30.000 đồng/kg, tăng 7.000 - 7.500 đồng/kg so với cùng kỳ. Giá cá tra nguyên liệu tăng do đầu ra xuất khẩu cá tra thuận lợi, trong khi nguồn cung cá tra nguyên liệu tại nhiều địa phương đang giảm, nhất là khi lượng cá tra tới lứa xuất bán không nhiều. Những tháng qua, dù giá cá tra nguyên liệu đã tăng lên mức khá cao so với năm trước (năm 2021 giá cá có nhiều thời điểm chỉ ở mức 22.000 - 23.000 đồng/kg), nhưng vẫn còn một số người dân không dám thả nuôi cá tra thương phẩm do thiếu vốn, giá cá đầu ra không ổn định; ngoài ra giá thức ăn và nhiều chi phí đầu vào nuôi cá tra liên tục tăng nên giá thành nuôi cá tra tại nhiều hộ dân đã ở mức 27.000 - 28.000 đồng/kg.
2. Sản xuất công nghiệp
Hoạt động sản xuất công nghiệp đang trên đà phục hồi và tăng mạnh, các doanh nghiệp tập trung đẩy nhanh tiến độ sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân những tháng cuối năm, dịp Tết Dương lịch năm 2023 và Tết Nguyên đán Qúy Mão. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2022 ước tính tăng 8,27% so với tháng trước và tăng 37,50% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 31,23% so với cùng kỳ năm 2021.
Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm khá sôi động. Hiện nay, chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2022, nhiều doanh nghiệp đang chạy đua nước rút để kịp hoàn thành các đơn hàng đã ký kết, điều này không chỉ đảm bảo để đơn vị hoàn thành kế hoạch năm, mà còn giúp người lao động ổn định thu nhập, duy trì sản xuất đến năm sau. Theo báo cáo của một số công ty may mặc đã đàm phán và ký kết thành công đơn hàng với Nhật Bản cho đến hết năm 2023, doanh nghiệp đã áp dụng thành công công nghệ sản xuất tiên tiến vào thiết bị chuyên dùng, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, áp dụng vào tiền lương sản phẩm cho người lao động.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2022 ước tính tăng 8,27% so tháng trước và tăng 37,50% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 43,35%; sản xuất và phân phối điện tăng 19,89%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,80%. Tính chung 11 tháng năm 2022, IIP ước tính tăng 31,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 37,82%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,25%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,96% so với cùng kỳ.
Nhiều ngành lĩnh vực có sản lượng sản phẩm công nghiệp tăng khá cao so với cùng kỳ, cụ thể: Ước tính 11 tháng/2022, phi lê đông lạnh tăng 39,45%; tôm đông lạnh tăng 32,76%; sản phẩm xay xát tăng 29,00%; sản phẩm thức ăn cho gia súc tăng 37,90%; nước ngọt (cocacola, 7 up,..) tăng 36,43%; quần áo may sẵn tăng 37,88%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 82,55%; dược phẩm dạng viên tăng 61,75%; đinh, đinh mũ, ghim dập tăng 79,88%;... Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Nước yến và nước bổ dưỡng khác giảm 67,79%; thuốc lá có đầu lọc giảm 10,19%; phân khoáng và phân hóa học NPK giảm 5,73%;...
Mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang có nhiều thuận lợi, song doanh nghiệp vẫn phải đối mặt không ít khó khăn từ thị trường, bất ổn của khí hậu. Những tháng vừa qua, triều cường cũng đã ảnh hưởng đến việc di chuyển của người lao động tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trên đường Hoàng Quốc Việt thuộc khu Tiểu thủ công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng, các doanh nghiệp trong nội ô thành phố. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện giãn giờ làm việc, người lao động được phép đến trễ về sớm trong những ngày triều cường dâng cao tạo điều kiện để lao động di chuyển an toàn đến nơi làm việc, điều này cũng ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất của doanh nghiệp.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 11/2022 ước tính tăng hơn 2 lần so với tháng cùng kỳ. Tính chung 11 tháng/2022, ước tăng 87,85% so với cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ cho thấy tín hiệu tích cực từ thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp không chỉ được đón nhận của người tiêu dùng trong nước mà còn được sự ủng hộ của khách hàng quốc tế, một số ngành có mức tiêu thụ ước tăng cao, như: Chế thủy biến, bảo quản thủy sản tăng 34,48% so với cùng kỳ; xay xát và sản xuất bột thô tăng hơn 2,5 lần; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 26,95%; sản xuất giày dép tăng 57,14%; sản xuất thuốc tây tăng 61,69%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế từ gỗ tăng 43,61%; sản xuất đinh, đinh mũ, ghim dập, đinh vít, then, đai, ốc, đinh móc tăng 82,35%;… Để tăng kích cầu tiêu thụ hàng hóa những tháng cuối năm, đồng thời cũng tạo không khí hứng khởi vui tươi cho các đối tác kinh doanh, đại lý hàng hóa và người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp đã đa dạng hóa các hình thức khuyến mãi, chiêu thị không chỉ cho khách hàng trực tiếp tiêu dùng sản phẩm mà còn khuyến mãi cho các đại lý kinh doanh và đơn vị phân phối hàng nhỏ lẻ, như: Quà tặng kèm khi mua sản phẩm, nhập hàng đủ số lượng yêu cầu sẽ được khuyến mãi hoặc hưởng chiết khấu tốt hơn,…
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/11/2022 giảm 50,95% so với tháng cùng kỳ và tăng 8,47% so với tháng trước. Sau nhiều nỗ lực phục hồi kinh tế - xã hội của thành phố, mọi hoạt động sinh hoạt của người dân đều trở lại trạng thái bình thường như trước, tình hình tiêu thụ sản phẩm công nghiệp tốt hơn, người dân mạnh dạn chi tiêu hơn so với những tháng đầu năm, điều này góp phần đáng kể vào việc giải phóng lượng hàng tồn kho tại các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm mạnh so với cùng kỳ như: Chế biến, bảo quản thủy sản; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản; sản xuất thuốc lá; sản xuất thuốc bảo vệ thực vật; sản xuất xi măng;… Bên cạnh đó, một số ngành chỉ số tồn kho còn nhiều như: Xay xát lúa gạo; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục); may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú); sản xuất giày dép; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa; sản xuất sản phẩm từ plastic; sản xuất bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động;…
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước tháng 11/2022 giảm 0,93% so với tháng trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,05%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,26% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 2,85%. Tình hình lao động tại các doanh nghiệp ước tháng 11/2022 không biến động nhiều so với tháng trước. Một số doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động sản xuất tại các phân xưởng để phục vụ thị trường những tháng cuối năm.
3. Đầu tư
Tình hình vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn thành phố hiện nay khá thuận lợi. Tháng 11/2022, một số công trình trọng điểm có vốn đầu tư lớn chuẩn bị khởi công, một số công trình đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, kết quả thực hiện cộng dồn từ đầu năm đến nay đạt thấp, một số công trình trọng điểm khởi công chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu.
a) Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 11/2022 ước tính đạt 973,95 tỷ đồng, tăng 27,79% so với tháng trước và tăng 76,92% so cùng kỳ năm 2021. Tính chung 11 tháng/2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tính 5.267,97 tỷ đồng đạt 68,78% kế hoạch năm (kế hoạch đã điều chỉnh) và tăng 48,93% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố đạt 3.662,89 tỷ đồng, bằng 61,75% kế hoạch năm, tăng 57,57% so với cùng kỳ; Vốn ngân sách nhà nước cấp quận, huyện đạt 1.605,08 tỷ đồng, bằng 92,92% kế hoạch năm, tăng 32,37% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, thành phố khởi công nhiều công trình trọng điểm cũng như nâng cấp, cải tạo lại nhiều tuyến đường tỉnh, như đường tỉnh 918, 923 dự án xây dựng đường Vành Đai Phía Tây,… việc bố trí tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án còn khá chậm, một số quận/huyện chưa đủ nền tái định cư để bố trí cho các trường hợp giải tỏa, một số dự án còn vướng mặt bằng do chủ đầu tư chưa kịp thời di dời hệ thống lưới điện, điều này gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình thi công,… những khó khăn vướng mắc chưa được tháo gỡ đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án. Việc này làm kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, làm chậm tiến độ của dự án.
Tình hình thực hiện một số dự án trên địa bàn Thành phố:
Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3), Dự án có tổng mức đầu tư hơn 9.167 tỷ đồng (đã điều chỉnh), được thực hiện bằng nguồn vốn ODA, do Ban Quản lý ODA thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2022 được giao 1.032,65 tỷ đồng. Hiện nay, chủ đầu tư và nhà thầu đang quyết liệt thi công gói thầu cải tạo hệ thống thoát nước khu vực trung tâm quận Ninh Kiều, giá trị hợp đồng thi công hơn 313,85 tỷ đồng, gói thầu tập trung thi công cải tạo hệ thống thoát nước ở 32 tuyến đường tạo thông thoáng, thoát nước thuận lợi và thảm lại mặt đường đảm bảo mỹ quan đô thị, người dân thành phố đang hy vọng dự án có thể khắc phục được tình trạng ngập nghẹt hiện tại trên một số tuyến đường mỗi khi mưa lũ, nhà thầu đang chia gói thầu thành 5 mũi thi công trên các tuyến đường Lý Tự Trọng, Ngô Quyền, Quang Trung, Nguyễn Thái Học và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cố gắng đến cuối năm 2023 tiến độ thi công đạt 90% khối lượng công việc và sẽ hoàn thành vào giữa năm 2024 theo như cam kết trong hợp đồng. Công trình xây dựng cầu Trần Hoàng Na cũng là một trong những gói thầu thuộc dự án 3, dự án có tổng mức đầu tư hơn 840 tỷ đồng, tiến độ thực hiện đạt khoảng 70%, cầu có chiều dài gần 600 m, bề rộng nhịp chính 23 m, dự kiến sẽ hợp long vào giữa năm 2023, cầu Trần Hoàng Na là công trình giao thông trọng điểm của thành phố, nối liền hai bờ quận Cái Răng và quận Ninh Kiều, khi hoàn thành sẽ mở ra hướng phát triển mới cho thành phố.
Dự án đường Vành đai phía Tây nối liền quốc lộ 91 và quốc lộ 61C, dự án do Sở Giao thông vận tải thành phố làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 3.837,7 tỷ đồng, đây là dự án thuộc nhóm A loại dự án công trình đô thị. Kế hoạch vốn năm 2022 được giao 1.179,81 tỷ đồng; dự án có chiều dài toàn tuyến trên 19 km, trong đó điểm đầu giao với quốc lộ 91 và đường tỉnh 922, điểm cuối giao với quốc lộ 61C, trên tuyến có 49 cây cầu. Sau thời gian chuẩn bị các thủ tục ban đầu, ngày 17/11/2022 UBND thành phố chính thức khởi công các gói thầu thuộc dự án.
Dự án xây dựng cầu Tây Đô, dự án có tổng mức đầu tư là 208 tỷ đồng, do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, kế hoạch vốn năm 2022 được giao là 30 tỷ đồng, dự án có chiều dài trên 140 m, gồm 2 nguyên đơn, 4 làn xe. Sau thời gian tập trung thi công, vừa qua, dự án xây dựng cầu Tây Đô nguyên đơn 1 đã chính thức hợp long, nhà thầu tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ, như tăng ca để đổ liên kết ngang và phủ mặt cầu, dự kiến thông xe vào cuối năm để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Dự án Bệnh viện Ung Bướu thành phố Cần Thơ, dự án có tổng mức đầu tư là 1.727,9 tỷ đồng được thực hiện bằng nguồn vốn ODA do Sở Y tế thành phố làm chủ đầu tư, kế hoạch vốn năm 2022 được giao là 1.032,61 tỷ đồng. Hiện tại, dự án vẫn còn đang tạm dừng thi công để thống nhất lại một số điều khoản trong hợp đồng giữa đơn vị tài trợ và chủ đầu tư, đây là một trong những dự án chậm tiến độ của thành phố, UBND thành phố đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án kéo dài đến ngày 11/7/2025.
Dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn ngang thành phố Cần Thơ - Hậu Giang, có tổng mức đầu tư khoảng 7.966 tỷ đồng. Vừa qua, dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự kiến sẽ khởi công trong quý IV/2022.
b) Công tác giải ngân
Tính đến ngày 18/11/2022, tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được 4.829,50 tỷ đồng đạt 53,98% kế hoạch năm, trong đó ngân sách địa phương 4.123,88 tỷ đồng đạt 53,84%.
c) Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Trong tháng 11, thành phố cấp mới 01 dự án, vốn đầu tư 0,01 triệu USD. Lũy kế 11 tháng/2022, cấp mới 05 dự án FDI, vốn đăng ký 174,08 triệu USD; chấm dứt hoạt động 05 dự án với tổng vốn đăng ký 5,41 triệu USD. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 85 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.223,11 triệu USD.
d) Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong tháng 11/2022, cấp mới đăng ký kinh doanh cho 80 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 805,79 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng/2022 cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.639 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 12.079 tỷ đồng, vượt 17,07% KH về số lượng doanh nghiệp và đạt 75,49% KH vốn đăng ký năm 2022. So cùng kỳ năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng 52,18% và số vốn bằng 57,95%.
4. Thương mại, dịch vụ, du lịch
Tháng 11/2022 thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 03/5/2022 của Chính phủ, Bộ Công Thương phát động Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia 2022 từ ngày 15/11/2022 - 22/12/2022, nhiều doanh nghiệp sẽ khuyến mãi có hạn mức lên đến 100%. Tình hình thương mại, dịch vụ 11 tháng trên địa bàn thành phố Cần Thơ phát triển ổn định do nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa gần cuối năm có xu hướng tăng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2022, ước đạt 10.741,15 tỷ đồng, tăng 4,20% so với tháng trước và tăng 37,42% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng/2022, ước đạt 107.164,65 tỷ đồng, tăng 42,53% so với cùng kỳ. Trong đó:
Bán lẻ hàng hóa: Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 11/2022 ước đạt 8.166,12 tỷ đồng, tăng nhẹ so với tháng trước tăng 2,58% và tăng 27,75% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng/2022, ước đạt 81.824,96 tỷ đồng, tăng 33,05% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu ngành lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất ước đạt 24.190,60 tỷ đồng, tăng 14,23% so với cùng kỳ; ngành có tỷ trọng thấp nhất là Nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) với doanh thu ước đạt 812,63 tỷ đồng, tăng 25,39% so với cùng kỳ; ngoài ra còn 7 nhóm ngành khác có mức tăng cao hơn mức tăng trưởng chung như: Vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 86,59%; ô tô các loại tăng 62,74%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 67,13%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 60,70%; hàng hóa khác tăng 53,01%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 35,49%; sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ tăng hơn 2 lần so cùng kỳ.
Lưu trú, ăn uống: Từ đầu năm 2022 đến nay hầu hết các khách sạn, nhà hàng đều hoạt động bình thường trở lại nên doanh thu ngành lưu trú, ăn uống tăng mạnh. Doanh thu lưu trú, ăn uống tháng 11/2022 ước đạt 1.207,77 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2022, ước đạt 11.638,89 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ, cụ thể: Dịch vụ lưu trú ước đạt 1.087,46 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống ước đạt 10.551,43 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ.
Du lịch lữ hành: Hoạt động du lịch từng bước phục hồi và có sự tăng trưởng trở lại, thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế địa phương. Lượng khách đến tăng nên nhiều khách sạn, nhà hàng và chuỗi bán lẻ tại các điểm du lịch hoạt động nhộn nhịp. Doanh thu du lịch lữ hành tháng 11/2022, ước đạt 71,78 tỷ đồng, tăng 17,53% so tháng trước và tăng đột biến so với cùng kỳ, vì cùng kỳ hoạt động lữ hành gần như không có do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thành phố đang đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, tổ chức và tham gia các sự kiện văn hóa lớn trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong các dịp Lễ tổ chức các chuỗi sự kiện thu hút lượng lớn du khách đến tham quan. Tính chung 11 tháng năm 2022, ước đạt 462,79 tỷ đồng, tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ.
Dịch vụ khác: Tình hình kinh doanh của các cơ sở dịch vụ từ đầu năm 2022 đến các dịp lễ 30/4, 01/5, trong dịp hè 2022 đang phục hồi mạnh mẽ do thành phố Cần Thơ tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh. Hầu hết các ngành dịch vụ đang hoạt động sôi nổi đến hiện tại, doanh thu dịch vụ tháng 11/2022 ước đạt 1.295,49 tỷ đồng, tăng 54,96% so với cùng kỳ 2021. Trong đó một số dịch vụ có mức tăng khá cao phải kể đến như: Ngành dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng hơn 4 lần; ngành dịch vụ khác tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng/2022 đạt 13.238 tỷ đồng, tăng 57,35% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do cùng kỳ năm 2021, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke, massage...chưa hoạt động trở lại.
5. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
Giá hàng hoá tăng, giá nguyên liệu sản xuất, chi phí dịch vụ logistics tăng cao, đồng Đô la Mỹ tiếp tục tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Các yếu tố này đã tác động đến giá cả hàng hóa thế giới, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước, ngoài ra, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng… cũng là nguyên nhân khiến giá cả một số hàng hóa dịch vụ trong tháng tăng so với tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2022 tăng 0,22% so với tháng trước; tăng 1,51% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,64% so với tháng 12 năm trước. Chỉ số giá bình quân 11 tháng/2022 tăng 2,40% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, các nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, gồm: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,21%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,19%; giao thông tăng 2,58%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%.
Các nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,08%; may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,24%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,20%; Bưu chính viễn thông giảm 0,15%.
Nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá ổn định so với tháng trước là nhóm Thuốc và dịch vụ y tế và nhóm Giáo dục.
Các nguyên nhân tác động làm tăng/giảm giá CPI tháng 11 năm 2022
Trong tháng có nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi được triển khai ở các cửa hàng, các siêu thị lớn nhỏ trên địa bàn thành phố đặc biệt là các nhóm hàng lương thực thực phẩm, đồ dùng gia đình… được giảm giá mạnh nhân các ngày 11/11, ngày 20/11 và các ngày cuối tuần nhằm thu hút nhu cầu mua sắm của người dân. Từ những chương trình này đã tác động làm chỉ số giá một số mặt hàng giảm như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón, giầy dép; thiết bị, đồ dùng gia đình và bưu chính viễn thông. Bên cạnh đó, một phần do tác động của giá xăng dầu được điều chỉnh tăng trong tháng đã làm một số nhóm hàng bị ảnh hưởng tăng nhẹ như: Đồ uống và thuốc lá tăng; xăng dầu; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác…
Sau sáu tháng liên tiếp giảm giá, giá gas đã đảo chiều tăng từ ngày 01/11 với mức tăng 20.000 - 21.000 đồng mỗi bình 12 kg, hay 1.667 đồng/kg (đã bao gồm VAT), do giá hợp đồng nhập khẩu trên thế giới tăng 35 USD/tấn so với tháng trước; tỷ giá đồng USD tăng cũng đã tác động đến giá gas trong nước. Hiện nay giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình 12 kg là 425.000 đồng.
Thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn và thường xuyên gây ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu trên thị trường trong nước. Tình trạng này khiến một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại các địa phương đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế, tác động đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp. Trong tháng, có 02 lần giá xăng dầu được điều chỉnh tăng, do tỷ giá đồng USD tăng và lãi suất vay tăng đã ảnh hưởng đến giá xăng trong nước.
Chỉ số giá vàng tăng 2,24% so với tháng trước, tăng 1,71% so với cùng kỳ năm trước, tăng 2,12% so với tháng 12 năm trước. Chỉ số giá vàng tăng do giá vàng thế giới tiếp đà tăng vì những tín hiệu lạm phát đang hạ nhiệt tại Mỹ và đồng USD có dấu hiệu suy yếu. Thêm vào đó thị trường tiền điện tử trải qua một giai đoạn suy thoái, vàng nhanh chóng trở thành tài sản được các nhà đầu tư chú trọng hơn, đã tác động làm giá vàng trong nước cũng tăng theo xu hướng thế giới. Giá vàng nhẫn sjc ngày 21/11/2022 trên địa bàn thành phố dao động quanh mức 5.400.000 đồng/chỉ.
Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 3,19% so với tháng trước, tăng 9,09% so với cùng kỳ năm trước, tăng 8,29% so với tháng 12 năm trước. Đồng USD đã tăng so với hầu hết các loại tiền tệ khác sau khi Fed tăng lãi suất, giá USD tăng mạnh khiến các ngoại tệ khác giảm sâu. Giá USD tại các ngân hàng vẫn đang ở trong tình trạng kịch trần, việc Mỹ tiếp tục tăng lãi suất sẽ làm gia tăng chi phí nắm giữ vàng và thúc đẩy đồng USD lên giá. Giá đô la Mỹ ngày 21/11/2022 dao động quanh mức 24.857 đồng/USD.
6. Giao thông vận tải, bưu chính viễn thông
Từ đầu năm đến nay ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động vận tải dần được phục hồi. Hiện nay, đang vào dịp cuối năm các doanh nghiệp cũng thường xuyên bảo dưỡng bảo trì trang thiết bị máy móc phương tiện, để đảm bảo an toàn phục vụ người dân trong thời gian tới dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Trong tháng 11/2022, tổng doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát ước đạt 288,28 tỷ đồng, tăng 20,31% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng/2022, ước đạt 3.032,83 tỷ đồng, tăng 29,39% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách ước đạt 650,82 tỷ đồng, tăng 49,96%; vận tải hàng hoá ước đạt 1.725,76 tỷ đồng, tăng 22,87%; dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 586,02 tỷ đồng, tăng 30,75%; dịch vụ bưu chính, chuyển phát ước đạt 70,23 tỷ đồng, tăng 22,76% so cùng kỳ.
Vận tải hành khách: Tháng 11/2022, số hành khách vận chuyển ước đạt 1.348,07 nghìn hành khách, giảm 2,48% so với tháng trước và tăng 24,94% so với cùng kỳ; số hành khách luân chuyển ước đạt 61.348,56 nghìn lượt hành khách.km, giảm 8,12% so tháng trước và tăng 37,18% so cùng kỳ. Tính chung 11 tháng/2022, số hành khách vận chuyển ước đạt 23.578,51 nghìn hành khách, hơn 2 lần so với cùng kỳ; số hành khách luân chuyển đạt 832.756,41 nghìn lượt hành khách.km, tăng 51,36% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 11/2022, ước đạt 772,40 nghìn tấn, tăng 5,08% so với tháng trước và tăng 24,43% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 127.455,63 nghìn tấn.km, tăng 3,20% so tháng trước, tăng 15,41% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng/2022, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 9.386,26 nghìn tấn, tăng 23,04% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 1.525.464,55 nghìn tấn.km, tăng 19,78% so với cùng kỳ.
Bưu chính, viễn thông: Doanh thu bưu chính, chuyển phát tháng 11/2022 ước đạt 11,27 tỷ đồng, tăng 15,91% so tháng trước và tăng 55,04% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng/2022, doanh thu bưu chính, chuyển phát ước đạt 70,23 tỷ đồng, tăng 22,76% so cùng kỳ năm trước.
7. Tài chính, ngân hàng
a) Thu, chi ngân sách
Thu ngân sách nhà nước: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lũy kế thực hiện đến ngày 20/11/2022 đạt 13.635,85 tỷ đồng, bằng 77,67% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 13,89% so với cùng kỳ. Cụ thể một số khoản thu chính như sau:
Thu nội địa đạt 9.999,42 tỷ đồng, bằng 94,18% so với dự toán HĐND thành phố giao, chiếm 73,33% tổng thu và tăng 21,35% so với cùng kỳ. Trong đó các khoản thu từ doanh nghiệp nhà nước; thuế bảo vệ môi trường; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết (bao gồm cả xổ số điện toán) chiếm tỷ trọng lớn và lần lượt tăng 29,64%, 8,84% và 28,01% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, một số khoản thu vẫn còn giảm so cùng kỳ như: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 13,32%; thu tiền bán nhà giảm 84,70%; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản giảm 9,15%...
Thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 281,12 tỷ đồng, bằng 56,22% so với dự toán HĐND thành phố giao, chiếm 2,06% tổng thu và giảm 51,25% so với cùng kỳ.
Chi ngân sách địa phương: Tổng chi ngân sách địa phương lũy kế thực hiện đến ngày 20/11/2022 đạt 11.619,64 tỷ đồng, bằng 72,50% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 25,04% so với cùng kỳ. Trong đó:
Chi đầu tư phát triển đạt 6.250,06 tỷ đồng, bằng 72,17% dự toán HĐND thành phố giao, chiếm 53,79% tổng chi ngân sách địa phương và tăng 63,33% so với cùng kỳ.
Chi thường xuyên đạt 5.310,08 tỷ đồng, bằng 77,17% dự toán HĐND thành phố giao, chiếm 45,70% tổng chi ngân sách địa phương và giảm 0,19% so với cùng kỳ. Trong đó: Chi cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo đạt 1.920,87 tỷ đồng, bằng 72,23% so với dự toán HĐND thành phố giao và tăng 6,61% so với cùng kỳ; chi cho sự nghiệp y tế đạt 326,46 tỷ đồng, bằng 64,41% so với dự toán HĐND thành phố giao và giảm 17,57% so với cùng kỳ.
b) Tín dụng ngân hàng
Trong tháng 11/2022, tiền tệ và hoạt động ngân hàng, bảo đảm sự ổn định, an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng trên địa bàn. Nguồn vốn huy động và tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 11/2022 đều tăng khá so với đầu năm, tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19. Nợ xấu chiếm 1,58% trên tổng dư nợ cho vay.
Vốn huy động: Đến cuối tháng 11/2022, vốn huy động ước đạt 101.800 tỷ đồng, tăng 0,40% so với đầu tháng, tăng 9,50% so với đầu năm, trong đó vốn huy động VNĐ là 99.000 tỷ đồng, chiếm 97,25%, tăng 0,39%; ngoại tệ là 2.800 tỷ đồng, chiếm 2,75%, tăng 0,76% so với đầu tháng.
Tổng dư nợ cho vay: Đến cuối tháng 11/2022, tổng dư nợ cho vay ước đạt 139.500 tỷ đồng, tăng 0,44% so đầu tháng, tăng 15,66% so với đầu năm. Nợ xấu là 2.200 tỷ đồng, chiếm 1,58% tổng dư nợ cho vay.
Lãi suất huy động (VNĐ): Theo Quyết định số 1812/QĐ-NHNN ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, mức lãi suất tối đa bằng đồng Việt Nam đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng là 1,0%/năm (điều chỉnh tăng 0,5%/năm), mức lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 6 tháng là 6,0%/năm (điều chỉnh tăng 1,0%/năm).
Lãi suất cho vay (VNĐ): Theo Quyết định số 1813/QĐ-NHNN ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế là 5,5%/năm (điều chỉnh tăng 1,0%/năm).
8. Các vấn đề xã hội
a) Giáo dục và Đào tạo
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo toàn Ngành nghiêm túc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch. Đẩy mạnh tuyên truyền tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong đội ngũ nhà giáo và HS. Tổ chức triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 của Ngành và của từng cấp học, bậc học; tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018. Kịp thời tham mưu UBND thành phố những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về GD&ĐT trên địa bàn thành phố. Công tác phối hợp với báo, đài tuyên truyền về việc triển khai thực hiện các chủ trương về GD&ĐT, các hoạt động chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, đặc biệt là tuyên truyền về gương nhà giáo tiêu biểu trên địa bàn được Ngành chú trọng; triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Triển khai Thông tư số 07/2022/TT-BGDĐT ngày 23 tháng 5 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục; Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.
Ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị tham gia Giải Marathon Quốc tế Di sản Cần Thơ năm 2022; Cuộc thi làm video “1 phút xanh: Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu”; Cuộc thi vẽ tranh Quốc tế Toyota với chủ đề “Chiếc ô tô mơ ước” năm 2022; Cuộc thi vẽ tranh “Ngàn lời tri ân”; Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” trên mạng xã hội CVNet năm 2022; bình chọn cho Chiến dịch We Love City của thành phố Cần Thơ. Kết thúc vòng loại Cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2022, kết quả: Cần Thơ có trên 20.406 lượt giáo viên (GV), học sinh (HS) tham gia, xếp thứ 14 toàn quốc. Tổ chức Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” thành phố năm 2022 với 39 đoàn, 729 HS đăng ký dự thi.
Triển khai việc thực hiện Dự án “Mô hình sàng lọc thị lực có sự tham gia lồng ghép với chương trình khám sức khỏe hàng năm cho trẻ em tại Cần Thơ, Việt Nam” tại các trường trung học cơ sở; phối hợp Bệnh viên Nhi đồng sàng lọc, chuẩn đoán, can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN).
b) Y tế và chăm sóc sức khỏe người dân
Theo báo cáo của Sở Y tế, trong tháng (15/10/2022 đến ngày 14/11/2022), thành phố Cần Thơ ghi nhận 843 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 156 trường hợp so với tháng trước; 186 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm 07 trường hợp so với tháng trước; 01 trường hợp mắc sởi và sốt phát ban nghi sởi, tăng 01 trường hợp so với tháng trước; 09 trường hợp mắc Covid-19 (01 trường hợp tử vong); giảm 51 ca mắc và giảm 01 ca tử vong so với tháng trước; 864 trường hợp tiêu chảy, giảm 5,57% so với tháng trước.
Tính chung 11 tháng năm 2022, ghi nhận 6.051 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 5.278 trường hợp so cùng kỳ năm 2021; 1.961 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 848 trường hợp so cùng kỳ năm 2021; 03 trường hợp mắc sởi và sốt phát ban nghi sởi, tăng 02 trường hợp so cùng kỳ năm 2021; 8.579 trường hợp mới mắc Covid-19 (373 ca tử vong).
Công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thành phố Cần Thơ tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát tình hình dịch Covid-19, khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội. Ngành Y tế tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt.
Tính đến ngày 14/11/2022, có 3.503.833 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm cho người dân trên địa bàn (đạt 103,1% số liều được phân bổ), cơ bản hoàn thành việc tiêm đủ 02 liều cơ bản cho dân số từ 12 tuổi trở lên và mũi 1 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Tỷ lệ tiêm mũi 3,4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên lần lượt đạt 71,1% và 78,8%. Tỷ lệ trẻ từ 12 đến 17 tuổi tiêm mũi 3 đạt 65,3%. Tỷ lệ trẻ từ 5-11 tuổi được tiêm mũi 2 là 90,2%. Tiếp tục phối hợp Công an thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện đẩy nhanh tiến độ cập nhật, “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và triển khai ký xác nhận “Hộ chiếu vắc xin”. Tính đến ngày 14/11/2022, đã ký xác nhận 1.436.677 hộ chiếu vắc xin.
Công tác y tế dự phòng khác, tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ; thực hiện giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu, cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng. Chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH), các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thuốc, trang thiết bị, đường dây nóng để tiếp nhận và điều trị các trường hợp sốt xuất huyết nặng.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS, lũy tích số người nhiễm HIV phát hiện được là 7.173 trường hợp. Trong đó, tử vong 2.609 trường hợp, số nhiễm HIV còn sống 4.564 trường hợp. Điều trị ARV cho 4.766 trường hợp, điều trị Methadone cho 321 trường hợp.
Trong tháng không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố.
c) Văn hóa, thể dục, thể thao
Văn hóa: Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Khảo sát chấm điểm, xếp loại hoạt động Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh quận, huyện; Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường, thị trấn; công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 tại 09 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Phối hợp Báo Cần Thơ thực hiện trang “Văn hóa cơ sở” 04 kỳ và phát hành 599 tờ báo đến ấp, khu vực. Phối hợp Đài PTTH Cần Thơ thực hiện chương trình Chuyện văn hóa 02 kỳ phát trên sóng truyền hình thành phố Cần Thơ. Tham mưu nội dung trình tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của Hội đồng nhân dân thành phố: Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về đặt tên, đổi tên đường năm 2022.
Hệ thống thư viện công cộng toàn thành phố bổ sung 11.203 bản sách, phục vụ 310.903 lượt người, 596.022 lượt thông tin tài liệu. Phục vụ xe thư viện lưu động tại 20 trường tiểu học thuộc 03 quận/huyện: Ô Môn, Thốt Nốt và Phong Điền, 13.000 lượt người và 90.000 lượt thông tin tài liệu.
Tổ chức phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng thành phố, di tích lịch sử - văn hóa, Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ thu hút 20.267 lượt khách.
Tổ chức Liên hoan “Dân ca Nam Bộ thành phố Cần Thơ” năm 2022. Tham gia Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII tại tỉnh Sóc Trăng.
Tổ chức biểu diễn 04 suất và phục vụ khoảng 1.200 lượt người xem. Tham gia vòng chung kết cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang - 2022”, 01 cá nhân đạt huy chương Bạc.
Thể dục, thể thao (TDTT): Thể dục, thể thao quần chúng, tính đến tháng 11/2022, chỉ tiêu người tập luyện TDTT thường xuyên 429.396 người, đạt 100% kế hoạch; số gia đình thể thao 96.657 hộ, đạt 102,2% kế hoạch, số câu lạc bộ TDTT 1.350 CLB, đạt 100% kế hoạch.
Thể thao thành tích cao, từ đầu năm đến nay, cử 204 HLV, 924 lượt VĐV (487 nữ) tham dự 77 giải thể thao quốc gia, đạt 432 huy chương các loại 141 HCV - 133 HCB - 158 HCĐ (trong đó 06 HCV, 03 HCB, 02 HCĐ tại Seagames 31 năm 2022; 03 HCV, 01 HCB, 03 HCĐ tại Giải vô địch Taekwondo vô địch Đông Nam Á; 04 HCV, 02 HCB, 01 HCĐ tại Đại hội Thể thao Người Khuyết tật Đông Nam Á năm 2022).
d) Chính sách lao động - xã hội
Lĩnh vực lao động: Thành phố Cần Thơ (TPCT) giải quyết việc làm 3.361 lao động. Lũy kế từ đầu năm đã giải quyết việc làm cho 53.808 lao động (cung ứng lao động đi làm việc nước ngoài là 73 người), đạt 106,76% kế hoạch, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2021.
Trung tâm Dịch vụ việc làm TPCT đã thực hiện tư vấn việc làm, chính sách việc làm và học nghề cho 13.326 lượt; giới thiệu việc làm trong và ngoài nước cho 2.699 lượt, cung ứng lao động trong và ngoài nước 212 người; thông qua các hình thức như: Người lao động đến liên hệ trực tiếp tại Trung tâm, gián tiếp qua email, tổng đài điện thoại, nhóm quản trị nhân sự Cần Thơ, mạng xã hội Zalo và Facebook của Trung tâm, Cổng thông tin Việc làm Cần Thơ, trực tiếp tại Ngày gặp gỡ nhà tuyển dụng thứ Hai hàng tuần. Điểm tư vấn tại Ngày Hội việc làm Trường Đại học FPT Cần Thơ, Ngày Hội việc làm Trường Đại học Tây Đô, Ngày Hội việc làm Trường Đại học Nam Cần Thơ.
Thực hiện chính sách Người có công: Tính đến ngày 22/11/2022 toàn thành phố hiện có 5.400 Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng; trong đó có 27 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, tất cả các Mẹ đều đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Tổ chức đưa Đoàn Mẹ Việt Nam Anh hùng và Người có công tiêu biểu tham quan Thủ đô Hà Nội, viếng Lăng Bác và gặp Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tổ chức Hội nghị Tổng kết đánh giá công tác chi trả trợ cấp ưu đãi Người có công với cách mạng qua hệ thống Bưu điện trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Lĩnh vực xã hội: Tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 02/11/2022 thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022 - 2030; Kế hoạch số 224/KH-UBND ngày 07/11/2022 về triển khai tổ chức Tháng hành động Vì bình đẳng giới năm 2022 “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”; Dự thảo Nghị quyết quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và đối tượng trợ giúp xã hội khó khăn khác chưa được quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Trợ cấp thường xuyên cho hơn 325.432 lượt đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng với tổng kinh phí hơn 167 tỷ đồng, đảm bảo 100% đối tượng bảo trợ xã hội được trợ giúp xã hội đúng và đủ theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.
đ) Tình hình tai nạn giao thông
Tính từ ngày 15/10/2022 đến ngày 14/11/2022, theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ đã xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông đường bộ, tăng 05 vụ so cùng kỳ; chết 8 người, tăng 03 người so với cùng kỳ; 05 người bị thương, tăng 04 người so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng/2022, tổng số vụ tai nạn giao thông 71 vụ (đường bộ 70 vụ và đường thủy 01 vụ), 69 người chết, 11 người bị thương.
Tình hình cháy, nổ tính từ ngày 15/10/2022 đến 14/11/2022 trên địa bàn thành phố Cần Thơ xảy ra 03 vụ cháy, tăng 01 vụ so với cùng kỳ; làm chết 01 người. Lũy kế 11 tháng/2022, xảy ra 13 vụ cháy; thiệt hại về người: 01 người chết do bị ngạt khói khi đưa ra ngoài; thiệt hại tài sản thống kê được 1.531 triệu đồng; và xảy ra 01 vụ nổ thiệt hại về người: 01 người bị thương nhẹ, thiệt hại về tài sản thống kê được: 01 trụ bơm xăng trị giá khoảng 30 triệu đồng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản của vụ cháy, nổ là 1.561 triệu đồng./.
CỤC THỐNG KÊ TP CẦN THƠ
Các biểu số liệu:
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022
Số liệu KTXH tháng 11/2022